Vừa bán đất, Đầu tư Thương mại SMC lại phải bán khoản nợ 12 tỷ với giá chỉ 3 tỷ đồng
Hết bán tài sản, SMC lại bán khoản nợ 12 tỷ với giá chỉ 3 tỷ đồng
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) vừa thông qua việc chuyển quyền chủ nợ đối với khoản nợ phải thu tại CTCP Beton 6 sang cho bà Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 1976).
Trong đó, giá trị khoản nợ của SMC tại Beton 6 là 12,6 tỷ đồng. Công ty chỉ bán lại khoản nợ này cho bà Lan Anh với số tiền 3 tỷ đồng, tương đương giá trị khoản nợ chỉ còn lại 23,8% so với ban đầu.
Đây không phải là lần đầu tiên Đầu tư Thương mại SMC phải bán tài sản để giải quyết nhu cầu tài chính.
Vào đầu năm 2024, SMC cũng từng thông qua chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản gắn liền với đất tại SMC Tân Tạo 2, nằm tại ô số 62-64 đường số 3, KCN Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM. Khu đất có diện tích 9.096 m2, giá chuyển nhượng 126 tỷ đồng.
Đến tháng 4/2024, công ty lại ra quyết định chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất đối với tòa nhà văn phòng đang là trụ sở của Công ty tại số 681 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM. Khu đất có diện tích 329,5 m2 với giá trị chuyển nhượng 170 tỷ đồng.
Tại ngày 23/9/2024, HĐQT của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã HoSE: SMC) đã thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại tại Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng (vốn là công ty con của SMC).
Lô đất được rao bán là thửa đất số 1, tờ bản đồ số 72, đường số 2, khu công nghiệp Hòa Cầm, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Khu đất có mục đích sử dụng là đất khu công nghiệp với diện tích 27,731 m2, giá chuyển nhượng hơn 96 tỷ đồng.
2 năm liền thua lỗ, SMC đang hoạt động ra sao?
Những quyết định bán tài sản, bán khoản nợ tại Beton 6 được SMC đưa ra trong bối cảnh đơn vị này đã thua lỗ liên tiếp trong năm 2022 và 2023.
Cụ thể trong năm 2022, doanh thu SMC đã tăng vọt lên 23.182 tỷ đồng. Tuy nhiên, bất chấp doanh thu tăng trưởng, công ty lại lỗ sau thuế tới 652 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, doanh thu thuần của SMC sụt giảm gần một nửa, còn 13.702 tỷ đồng. Lỗ sau thuế tại năm này cũng tăng vọt lên 925 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu do đó cũng bị bào mòn từ 1.723 tỷ xuống chỉ còn 798 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm.
Trong năm 2024, SMC báo lãi trở lại trong Quý 1/2024 với 183 tỷ đồng nhưng sau đó lại lỗ 107 tỷ trong Quý 2/2024. Kết quả này đã kéo lùi lợi nhuận 6 tháng đầu năm xuống chỉ còn hơn 76 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý là chi phí tài chính trong 6 tháng đầu năm chiếm tới 120,7 tỷ đồng, cao hơn tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa gánh nặng tài chính đang rất lớn đối với SMC.
Trước đó, với kết quả thua lỗ liền 2 năm, cổ phiếu SMC từng bị đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát vào ngày 10/4/2024. Tại thông báo mới nhất vào ngày 4/9/2024, HoSE vẫn quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu SMC do công ty cũng đang ghi nhận khoản lỗ 68 tỷ đồng tại ngày 30/06/2024.
Áp lực nợ phải trả cao gấp 4 lần vốn chủ
Một dấu hiệu nữa cho thấy áp lực tài chính của SMC đang là vấn đề lớn với công ty nằm tại cơ cấu nguồn vốn của đơn vị. Cụ thể, nguồn vốn công ty sử dụng chủ yếu đến từ nợ phải trả, so với vốn chủ, tổng nợ phải trả đang cao gấp 4 lần.
Tính đến cuối Quý 2/2024, phải trả đang chiếm 4.329,7 tỷ đồng, tương đương tới 83% tổng nguồn vốn hiện tại của công ty. Trong đó, ghi nhận về vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã giảm hơn so với đầu năm nhưng vẫn chiếm 2.251,4 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn chiếm 255,8 tỷ đồng.
Tổng nợ vay ngắn và dài hạn của Đầu tư Thương mại SMC lên tới 2.507,2 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng nguồn nợ vay này của SMC cũng đã cao gấp 2,8 lần vốn chủ, chưa tính các nghĩa vụ phải trả khác.
Bích Diễm