1. Tài chính

Vốn cho bất động sản sẽ 'thông' hơn vào cuối năm?

Cuối tuần trước, một sự kiện gây nhiều bất ngờ cho những người quan tâm đến thị trường địa ốc là việc đại gia Nguyễn Hữu Đường đổi ý không bán khách sạn dát vàng ở Hà Nội nữa, dù nhiều khách từ Ấn Độ, Trung Đông xếp hàng chờ mua và giá có thể cao hơn kỳ vọng ban đầu là 250 triệu USD.

Chính sách hỗ trợ chưa từng có

Động thái của ông Đường “bia” khiến không ít người bất ngờ bởi cách đây nửa năm, ông chủ Tập đoàn Hòa Bình còn than thở buộc phải bán khách sạn mang tính biểu tượng này vì “hết tiền”.

Từ nguyên nhân ban đầu suy ra, việc ông Đường “bia” quay xe không bán khách sạn nữa đồng nghĩa doanh nghiệp của ông hiện đã thoát cảnh “hết tiền”. Và, bản thân ông Đường cũng cho hay Hòa Bình sắp tới sẽ triển khai 2 dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp sẽ có doanh thu.

Dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản dự báo sẽ "thông" hơn vào cuối năm 2023. (Ảnh: Phạm Hòa)

Dù không đại diện cho tất cả, nhưng việc Hòa Bình sau khi được “cởi trói” về pháp lý (trước đó, 2 dự án nhà ở xã hội của công ty mất gần 2 năm không được duyệt) đã nhanh chóng thoát cảnh “bí” tiền, cho thấy khi các vướng mắc được tháo gỡ, doanh nghiệp địa ốc sẽ có thể phục hồi.

Tại Diễn đàn Bất động sản mùa thu lần thứ nhất do VnREA tổ chức vừa diễn ra, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính nhận định, thời gian qua, loạt chính sách đang có tác động mạnh tới thị trường nhà đất.

Điển hình như chính sách tiền tệ đang chuyển từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng”. Ngân hàng Nhà nước cũng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất đang giảm dần. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được thực hiện như cơ cấu nợ, đảo nợ…

“Đây là những chính sách chưa từng có đối với tài chính và thị trường bất động sản. Đặc biệt, chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục giãn hoãn thuế, giảm phí”, ông Cấn Văn Lực khẳng định và nhấn mạnh các chính sách gỡ vướng được đẩy nhanh sẽ giúp dòng vốn cho thị trường bất động sản sẽ “dễ thở” hơn trong thời gian tới.

Dự báo dòng vốn vay đã và sẽ dễ tiếp cận hơn với các chủ đầu tư bất động sản cũng được VNDIRECT đưa ra trong báo cáo mới nhất. Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng trong tháng 9 dao động từ 4,99-11,8%/năm.

Điển hình, tại các ngân hàng thương mại như TPBank, HDB, VIB, Eximbank..., lãi suất cho vay mua nhà dao động chủ yếu trong khoảng 6,8 - 9%/năm. Một số ít ngân hàng có mức lãi vay trên 9%/năm, có thể kể đến như SeABank (9,29%/năm), UOB (9,49%/năm) ...

Có đáp ứng được kỳ vọng?

Trong thời gian tới, VNDIRECT đánh giá xu hướng giảm lãi suất sẽ tiếp tục, bởi 3 yếu tố chính. Thứ nhất là tác động từ 4 đợt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, thứ hai là nhu cầu tín dụng yếu trong nửa đầu năm 2023 làm giảm áp lực huy động, thứ ba là Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa.

Cần phải khẳng định, sau nhiều giải pháp gỡ vướng, dòng vốn tín dụng cho lĩnh vực địa ốc đang "dễ thở" hơn so với thời kỳ khó khăn nhất. Tuy nhiên, mức độ "dễ thở" hơn là bao nhiêu và có đáp ứng được kỳ vọng hay không lại là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Bởi, thực tế cho thấy đến thời điểm hiện tại, dù các thông tin lãi suất giảm, nguồn vốn ngân hàng được khơi thông liên tục được tung ra, nhưng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Minh chứng là không ít đơn vị phải chấp nhận bán tài sản để có tiền xoay xở.

Như trường hợp của Hải Phát Invest (HPX) hồi cuối tháng 8 đã quyết định bán hoặc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đang nắm tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang, giá trị hơn 176 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trước tình cảnh cạn tiền, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã buộc phải cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Kết quả thăm dò từ 20 doanh nghiệp có tổng tài sản lớn nhất tại ngày 31/12/2022 cho thấy, có tới 6 doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự đáng kể trong thời gian qua.

Điển hình là trường hợp của Đất Xanh Group (DXG). Theo báo cáo tài chính bán niên 2023, tính đến ngày 30/6, Tập đoàn có 2.390 nhân viên, giảm tới 5.002 người, tương đương gần 68% so với cùng thời điểm năm 2022. Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2023 của “ông lớn” này cũng chỉ còn vỏn vẹn 40 tỷ đồng, giảm tới 94% so với mức hơn 670 tỷ đồng nửa đầu năm 2022.

Có thể thấy, khó khăn về dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản dù không còn ở đỉnh điểm, nhưng vẫn hiện hữu. Và, trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định tiếp tục kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, bất động sản kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản... nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Vì vậy, trong bối cảnh nền tảng "sức khỏe" của đa phần doanh nghiệp hiện vẫn rất yếu sau thời gian dài "hứng bão", để đẩy nhanh tiến độ hồi phục của thị trường bất động sản, theo chuyên gia, các chính sách gỡ vướng về pháp lý, vốn tín dụng và niềm tin của khách hàng vẫn cần được đẩy mạnh.

“Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ tác động đến các kênh dẫn vốn, pháp lý và cân đối cung - cầu trên thị trường bất động sản, tuy nhiên việc thực thi cần quyết liệt hơn và cần đẩy mạnh sự đồng bộ giữa các chính sách để giải quyết được những vấn đề pháp lý còn tồn đọng.

Đặc biệt, nếu Luật Đất đai 2023 được thực hiện đúng tiến độ, có hiệu lực trong nửa cuối năm 2024, từ đó giải quyết được các nút thắt trong việc phê duyệt dự án ở các dự án khu dân cư mới, sẽ giúp nguồn cung nhà ở dần phục hồi trong giai đoạn 2024-2025”, chuyên gia của VNDIRECT nhận định.

Hưng Nguyên

Tin khác