1. Chứng khoán

VnDirect: Hoạt động chốt lời chắc chắn gia tăng, nhà đầu tư nên kiểm soát cảm xúc, hạn chế Fomo

Ảnh minh họa.

VnDirect vừa đưa ra nhận định thị trường chứng khoán tháng 10 với điểm nhấn tăng trưởng lợi nhuận tích cực hỗ trợ định giá thị trường.

P/E trailing của thị trường đạt 13,9 lần, chiết khấu 4,7% so với mức trung bình 5 năm. Dự phóng P/E cuối năm 2024 của VN-Index là 13,0 lần dựa theo giả định lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 18% trong năm nay.

Định giá theo P/E của VN-Index đang ở mức khá hợp lý và chiết khấu 4,7% so với trung bình 5 năm. Triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp được dự báo tích cực trong nửa cuối năm 2024 sẽ giúp định giá thị trường thêm hấp dẫn. Dự phóng P/E của VN-Index cuối năm 2024 là 13,0 lần. Đồng thời, đà tăng của lãi suất huy động có thể chậm lại do lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed trong những tháng cuối năm 2024, do đó giảm áp lực lên mặt bằng định giá thị trường.

Nếu xét theo định giá P/B, VN-Index hiện tại đang tương đối hấp dẫn khi giao dịch ở mức 1,7 lần giá trị sổ sách, chiết khấu 19,2% so với mức trung bình 5 năm.

So với thị trường mới nổi khác, định giá VN-Index hiện đang ở mức khá hợp lý. P/E của VN-Index đang giao dịch thấp hơn 1,2% so với MSCI EM, và P/B cũng đang giao dịch ở mức 1,7 lần, thấp hơn MSCI EM.

Lợi nhuận ròng toàn thị trường của các công ty niêm yết trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCOM) trong quý 3 và quý 4 năm 2024 có thể duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, được hỗ trợ bởi mức nền so sánh thấp trong nửa cuối năm 2023 và xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế Việt Nam. Điều này sẽ giúp duy trì mức định giá hấp dẫn cho VN-Index, với P/E dự phóng năm 2024 dự kiến khoảng 13,0 lần.

Ngành ngân hàng và bất động sản là hai lĩnh vực đóng góp lớn, chiếm 66,1% vào tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE trong năm 2024. Trong khi triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn tích cực nhờ nhu cầu tín dụng cải thiện, tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản nhà ở đã chậm lại do một số dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện để ghi nhận lợi nhuận trong năm nay, mặc dù doanh số bán hàng đã có dự cải thiện tích cực trong 8 tháng đầu năm 2024.

Các ngành có liên kết chặt chẽ với biến động giá hàng hóa, như vật liệu xây dựng, nông sản và xuất khẩu, được dự báo ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhờ sự phục hồi thương mại toàn cầu và mức nền so sánh thấp của năm 2023.

Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngành hàng không, bán lẻ và năng lượng duy trì khả quan nhờ đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn.

Về chiến lược đầu tư tháng 10, theo VnDirect, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực sau khi Fed cắt giảm lãi suất, dẫn đầu bởi đà tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng, với một số mã ghi nhận mức tăng hai chữ số chỉ trong vài phiên giao dịch.

Hiện tại, VN-Index đang tiến gần vùng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm, và hoạt động chốt lời chắc chắn sẽ gia tăng. Do đó, nhà đầu tư cần kiểm soát cảm xúc và cân bằng danh mục đầu tư, tránh tâm lý FOMO đối với những cổ phiếu đã tăng mạnh. Việc tuân thủ kỷ luật và các nguyên tắc quản lý rủi ro danh mục đầu tư cần được ưu tiên hàng đầu. Nhà đầu tư nên chờ thị trường xác nhận xu hướng khi kiểm định vùng kháng cự 1.300 điểm trước khi mở vị thế mua mới và gia tăng tỷ trọng đầu tư.

Các rủi ro tiềm ẩn đối với dự báo bao gồm: xung đột địa chính trị ở Trung Đông leo thang thành một cuộc chiến khu vực, xuất hiện thêm các dữ liệu tiêu cực từ nền kinh tế Mỹ, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế, và các thông tin tiêu cực từ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Các động lực tích cực cho thị trường bao gồm: Việt Nam được công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi, các chính sách hỗ trợ thanh khoản, nới lỏng tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước, và kết quả kinh doanh mạnh hơn dự kiến trong quý 3 năm 2024.

Cho cả năm 2024, Fed đã thực hiện lần cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % trong cuộc họp tháng 9, đồng thời, Fed dự kiến sẽ cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm 2024, cắt giảm 100 điểm cơ bản trong năm 2025 và 50 điểm cơ bản trong năm 2026. Những hành động của Fed sẽ giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND và cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thêm dư địa để “nới lỏng” chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Với yếu tố Fed hiện đã trở nên tích cực hơn và có thể dự báo, những yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến khả năng VN-Index sớm đạt mốc 1.400 bao gồm: tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong quý 3 và triển vọng quý 4, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại trong những tháng cuối năm, và kết quả tái cơ cấu của một số công ty đang thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Hiện tại, kịch bản tích cực cho VN-Index đang dần trở nên khả thi.

Thu Minh

Tin khác