VN-Index tháng 9: Khối ngoại tiếp tục bán ròng tháng thứ tám liên tiếp
Theo Chứng khoán Vietcap (VCI), trong nửa đầu tháng (từ ngày 01/09 đến ngày 16/09), chỉ số VN-Index giảm 3,5% trước khi phục hồi trong nửa cuối tháng (chỉ số VN-Index tăng 3,9% từ ngày 16/09 đến ngày 30/09).
Thị trường giảm trong nửa đầu tháng đến từ áp lực bán gia tăng khi thị trường chứng khoán toàn cầu giảm trong tuần đầu tiên của tháng 9 (từ ngày 01/09 đến ngày 06/09, S&P500: -4,2%; Nasdaq: -5,8%; DJI: -2,9%; Nikkei 225: -5,2%).
Ngoài ra, bão Yagi gây ra mưa lớn và lũ lụt từ ngày 06/09 đến ngày 14/09, tác động tiêu cực đến thị trường, đặc biệt đối với nhóm ngành bảo hiểm.
Tuy nhiên, thị trường hồi phục trong nửa cuối tháng nhờ một số yếu tố, bao gồm: (1) lực mua ở mức giá thấp quay trở lại; (2) thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi (từ ngày 06/09 đến ngày 30/09, S&P500: +6,5%; Nasdaq: +9,0%; DJI: +4,9%) cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào ngày 17-18/09; (3) tâm lý tích cực đối với nhóm ngành ngân hàng khi tính đến ngày 17/09/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 7,38% tính từ đầu năm (YTD) (so với mức 5,73% trong cùng kỳ năm trước); (4) Trung Quốc công bố một loạt các chính sách kích thích kinh tế; và (5) Chính phủ chính thức ban hành thông tư loại bỏ nút thắt "yêu cầu ký quỹ trước giao dịch”.
Từ đầu năm đến cuối tháng 9, chỉ số VN-Index tăng 14,0%, vượt trội so với các thị trường khác trong khu vực như PCOMP của Philippines (+12,8%), JCI của Indonesia (+3,5%) và SET của Thái Lan (+2,3%).
Ngành Tài chính dẫn đầu trong khi ngành Dầu khí giảm điểm: Trong tháng 9, ngành Dịch vụ tài chính (+3,1%) ghi nhận mức tăng mạnh nhất, được hỗ trợ bởi MBS (+13,9%), SSI (+6,0%), HCM (+5,6%) và FTS (+5,3%). Ngành Ngân hàng (+2,9%) đứng thứ hai, chủ yếu nhờ TPB (+15,3%), MSB (+12,5%), STB (+9,2%), VPB (+6,1%) và CTG (+5,4%). Ngược lại, các ngành Dầu khí (-5,3%), Bảo hiểm (-5,0%), Tiện ích (-2,5%) và Dịch vụ tiêu dùng (-2,2%) là các ngành có mức giảm mạnh nhất.
Thanh khoản giảm trong tháng 9: Giá trị giao dịch trung bình ngày (GTGDTB) trên HSX (-3,4% MoM) và trên cả 3 sàn (-4,5% MoM) tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp, lần lượt đạt 649,1 triệu USD và 719,6 triệu USD trong tháng 9. Tuy nhiên, trong 9T 2024, GTGDTB trên tổng cả 3 sàn tăng 1,3 lần so vớ cùng kỳ năm trước (YoY), đạt 913,4 triệu USD.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng tháng thứ tám liên tiếp. NĐTNN bán ròng 85,7 triệu USD trên HSX và 4,8 triệu USD trên UPCoM, trong khi mua ròng 1,8 triệu USD trên HNX, dẫn đến tổng khối lượng bán ròng đạt 88,7 triệu USD trên tổng cả 3 sàn. Khối ngoại bán ròng chủ yếu VIB (-105,4 triệu USD), HPG (-50 triệu USD) và VPB (-37,7 triệu USD).
Ngược lại, khối ngoại mua ròng chủ yếu SSI (+32 triệu USD), FPT (+26,1 triệu USD) và TCB (+20,2 triệu USD). Trong 9T 2024, NĐTNN đã bán ròng 2,7 tỷ USD trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam (so với mức bán ròng 274,8 triệu USD trong 9T 2023). Bên cạnh đó, NĐTNN cũng bán ròng 2,6 tỷ USD trên sàn SET của Thái Lan trong khi mua ròng lần lượt 3,2 tỷ USD và 22,2 triệu USD trên sàn JCI của Indonesia và PCOMP của Philippines.
VCI cho rằng tâm lý thị trường trong tháng 10 có thể khá thận trọng khi chỉ số VN-Index gần đạt 1.300 điểm và các nhà đầu tư đang chờ đợi một số thông tin quan trọng, bao gồm: (1) kết quả kinh tế xã hội quý 3/2024 (công bố vào ngày 06/10); (2) kết quả kinh doanh quý 3/2024 của các doanh nghiệp; và (3) kỳ họp thứ 15 của Quốc hội sẽ bắt đầu từ cuối tháng 10.
Mặc dù bão Yagi đã ảnh hưởng mạnh đến một số tỉnh thành trong tháng 9, tuy nhiên VCI kỳ vọng kết quả kinh tế xã hội trong quý 3/2024 có thể khả quan nhờ kết quả tích cực trong tháng 7 và tháng 8. Ngoài ra, gói kích thích kinh tế mới nhất từ Trung Quốc có thể tác động tích cực đến thị trường chứng khoán châu Á.
Vào cuối tháng 9, P/E trượt của VN-Index là 15,8 lần so với PCOMP của Philippines là 13,1 lần, SET của Thái Lan là 17,5 lần và JCI của Indonesia là 19,9 lần.
P.Đa