VN-Index rơi mạnh, cơ hội vượt 1.300 điểm từ đâu?
Tâm lý e ngại cản trở VN-Index trước mốc 1.300 điểm
Nghi ngờ rủi ro của thị trường, chị Hồng Ngọc (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định hạ một lượng lớn tỷ trọng cổ phiếu phiên hôm nay: "Thị trường đang trong trạng thái điều chỉnh nên để bảo toàn tài sản cũng như phần trăm lợi nhuận, tôi đã tính toán lại tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ để bảo toàn tài sản cũng như lợi nhuận, đồng thời chuyển sang cổ phiếu tiềm năng khác".
Cùng với xu hướng này, chị Bảo Anh (28 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Lo ngại thị trường chưa ổn định, theo dõi trong thời gian qua, tôi quyết định chốt lời, dù không cao như dự kiến. Nhưng trong lúc thị trường chưa có thêm thông tin tác động tích cực để bứt phá, rủi ro tiêu cực có thể diễn ra nên trước tiên bảo toàn tài sản, lợi nhuận vẫn là quan trọng nhất".
Ghi nhận trong phiên hôm nay, xu hướng bán mạnh bất ngờ xuất hiện vào cuối giờ giao dịch vào phiên chiều sau khi đi ngang cả ngày. VN-Index lao dốc gần 10 điểm (tương đương giảm 0,77%), xác lập phiên giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua.
Hiện tượng "giằng co" xuất hiện giữa phe mua - bán, không bên nào chiếm ưu thế tuyệt đối. Dù "sắc đỏ" lan rộng ra toàn thị tường nhưng nguồn cung giá thấp ít ỏi khiến các mã điều chỉnh ở biên độ nhẹ. Tổng kết, 211 mã giảm (3 mã nằm sàn), 157 mã tăng (2 mã tăng trần) và 72 mã tham chiếu.
Thanh khoản tăng mạnh lên 19.100 tỷ đồng, song, gần một nửa số đó chỉ xuất hiện khi lực bán được thúc đẩy vào phiên chiều, phần lớn thời gian trước đó, thị trường giao dịch ảm đạm.
Nhóm VN30 tác động tiêu cực tới thị trường với 23 mã giảm.
Xét về nhóm ngành, nhóm ngành hóa chất, công nghệ, chứng khoán và ngân hàng dẫn đầu xu hướng giảm với các mã: GVR (Cao su Việt Nam,HOSE), BID (BIDV, HOSE), FPT (FPT, HOSE), VCB (Vietcombank, HOSE), CTG (ViettinBank, HOSE)…
Khối ngoại duy trì trạng thái bán tháo phiên thứ 8 liên tiếp với giá trị gần 140 tỷ đồng phiên hôm nay.
Tính từ đầu năm tới nay, VN-Index đã có tới 6 lần cán mốc 1.300 điểm, vùng giao dịch hiện tại của thị trường cũng đang giao quanh ngưỡng này diễn biến có phần khó khăn hơn khi liên tục duy trì trạng thái giằng co.
Theo các chuyên gia, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam đang gặp khó khi lượng thanh khoản thấp và áp lực bán từ khối ngoại.
Trước hiện tượng này, ông Trương Thế Vinh, chuyên viên tư vấn, Chứng khoán Mirae Asset lý giải, thanh khoản thị trường đang ở ngưỡng thấp so với trung bình từ đầu năm tới nay, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư.
Tâm lý này được lan tỏa bởi rủi ro từ biến động kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, như là khu vực Euro phục hồi yếu, Trung Quốc phục hồi chậm; xung đột địa chính trị bùng phát tại Trung Đông, Ukraina và Triều Tiên - Hàn Quốc… khiến quá trình phục hồi kinh tế chông gai hơn; cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào ngày 5/11, các chính sách mới sẽ khó dự đoán hơn, tăng thêm yếu tố rủi ro cho thị trường.
Còn ở góc độ thị trường, lượng tiền gửi của người dân đổ vào hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao, rút đi một lượng tiền lớn đổ vào chứng khoán; áp lực từ động thái bán ròng của khối ngoại trên hai sàn HOSE và HNX; câu chuyện chưa được thăng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn - Bất động sản có xu hướng tiêu cực khi hàng loạt dự án của các doanh nghiệp BĐS đang bị thanh tra và xử lý vi phạm.
Những yếu tố trên đã làm gia tăng thêm xu hướng tiêu cực cho tâm lý của giới đầu tư.
Cơ hội nào cho VN-Index vượt 1.300 lần thứ 7?
Dù vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được kỳ vọng tăng trưởng, vượt 1.300 điểm trong những tháng cuối năm nay.
Đưa ra nhận định cơ hội cho thị trường, ông Trương Thế Vinh cho biết, tăng trưởng kinh tế vẫn khá khả quan, GDP quý 3/2024 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vậy, tổng 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP đã cán mốc 6,82%, mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2023…
Kế tiếp là đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 6,8%. Thu hút FDI 9 tháng đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6%; vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% và cao nhất trong nhiều năm.
Ngoài ra, xu hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024; sự chỉ đạo, vào cuộc kịp thời, hiệu quả của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đối với hàng loạt dự án bất động sản đã được tháo gỡ những nút thắt về pháp lý, cơ chế chính sách, phát đi những tín hiệu tích cực về sự phục hồi trong cuối năm 2024, khai thông dòng vốn tín dụng đang ứ đọng; cơ hội hưởng lợi từ động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong tháng 11.
Dựa vào dữ liệu vĩ mô 9 tháng đầu năm 2024 và các dự báo kinh tế, ông Vinh điểm tên một số nhóm ngành được kỳ vọng hưởng lợi trong quý 4 năm nay, gồm:
Ngân hàng với tín dụng tăng trưởng, hỗ trợ tích cực lợi nhuận cho các nhà băng; nợ xấu được kiểm soát ở mức an toàn.
Bán lẻ với mùa mua sắm cuối năm, kích cầu tiêu dùng; lạm phát được kiểm soát, hỗ trợ sức mua của người tiêu dùng; du lịch phục hồi, thúc đẩy doanh thu của các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng, dịch vụ ăn uống, lưu trú.
Bất động sản hưởng lợi từ việc tháo gỡ pháp lý, các dự án bất động sản bị đóng băng có thể tái khởi động, từ đó phục hồi thị trường, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế.
Vật liệu xây dựng với nhóm sản xuất vật liệu xây dựng (nhựa, thép…), hưởng lợi phần lớn từ sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Khi các dự án hạ tầng và bất động sản được triển khai, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng cải thiện doanh thu và gia tăng lợi nhuận.
Tuệ Anh