VN-Index hồi phục ngoạn mục trong phiên đáo hạn phái sinh
Sau 3 phiên giảm điểm liên tục, bước sang ngày 17/10, giao dịch vẫn diễn ra ảm đạm và nhà đầu tư dường như không mấy mặn mà với thị trường ở thời điểm hiện tại. Dù vậy, một số cổ phiếu được kéo lên trên mốc tham chiếu, góp phần giúp các chỉ số tăng điểm nhẹ. Dòng tiền mất hút khiến sắc xanh dù xuất hiện vẫn khá "mong manh". Sau giờ giao dịch đầu tiên sau mở cửa, giá trị giao dịch trên HoSE chỉ ở mức vỏn vẹn 1.200 tỷ đồng. Lực cầu yếu các chỉ số dần dần lùi xuống dưới mốc tham chiếu, trong đó, áp lực xuất hiện từ nhiều cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, thép, hóa chất.
Tuy nhiên, bất ngờ xảy ra vào nửa sau của phiên chiều khi lực cầu dâng cao đột biến ở nhóm bất động sản và “châm ngòi” giúp hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu khác hồi phục, các chỉ số vì vậy cũng được kéo lên trên mốc tham chiếu. VN-Index và HNX-Index đều đóng cửa ở vùng cao nhất phiên.
Tâm điểm của sự chú ý tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản. Sau khi giao dịch lình xình ở đầu phiên thì hàng loạt cổ phiếu đã bứt phá trở lại. Trong đó, DXG và PDR đóng vai trò “đầu tàu” khi được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, các mã như CEO, DIG, QCG, SCR, DXS, HPX… cũng đồng loạt tăng giá mạnh.
Sự hưng phấn được lan tỏa đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu khác, trong đó, các cổ phiếu chứng khoán có sự hồi phục tốt dù có thời điểm lao dốc mạnh. VDS chỉ còn giảm 0,71%, MBS bật tăng 1,4%, VND tăng 1,7%, SSI tăng 1,3%, VCI tăng đến gần 3% và là cổ phiếu dẫn dắt dòng tiền vào nhóm chứng khoán.
Tại nhóm ngân hàng, VCB là cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất cho VN-Index với 0,95 điểm. Chốt phiên, VCB tăng 0,77%. BID tăng 0,9% và cũng đóng góp 0,62 điểm. Các vị trí tiếp theo trong danh sách có đóng góp tích cực nhất cho VN-Index đều thuộc nhóm ngân hàng gồm MBB, STB, ACB, CTG hay MSB.
Ở chiều ngược lại, HDB đi ngược biến động tích cực của nhóm ngân hàng khi giảm mạnh 1,7% và là cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi 0,32 điểm. Các cổ phiếu như GAS, SAB, GMD hay GVR… cũng giảm giá và tác động xấu đến biến động của VN-Index.
Tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, DBC tiếp tục giảm đến 2%. Giá cổ phiếu DBC liên tục giảm kể từ khi công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 tích cực. Theo đó, doanh thu thuần hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2023. Công ty lãi sau thuế hơn 312 tỷ đồng trong quý III/2024, gấp 25 lần cùng kỳ 2023 và là mức cao nhất trong vòng 5 quý vừa qua.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,04 điểm (0,55%) lên 1.286,52 điểm. Toàn sàn có 224 mã tăng, 128 mã giảm và 79 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,86 điểm (0,81%) lên 230,12 điểm. Toàn sàn có 87 mã tăng, 60 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (0,41%) lên 92,7 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt hơn 685 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 15.696 tỷ đồng (tăng 18% so với phiên trước), trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.696 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 971 tỷ đồng và 1.876 tỷ đồng.
Khối ngoại có phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp trên HoSE với giá trị hơn 400 tỷ đồng. Trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh chứng chỉ quỹ ETF FUESSVFL với 124 tỷ đồng. HDB và DBC bị bán ròng lần lượt 122 tỷ đồng và 73 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, STB được mua ròng mạnh nhất với 177 tỷ đồng. NTL và EIB được mua ròng lần lượt 84 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.
Tùng Linh