VN-Index giảm phiên thứ ba liên tiếp, HAG ngược chiều tăng mạnh
VN-Index đóng cửa phiên 4/10 ở mốc 1.270,60 điểm, giảm 7,5 điểm so với kết phiên hôm qua. Đây là phiên thứ ba liên tiếp chỉ số đi xuống, sau khi tiệm cận ngưỡng đỉnh năm 2024 là 1.300 điểm. HNX-Index và UPCoM cũng đều giảm nhẹ. Thanh khoản sụt giảm mạnh với tổng giá trị giao dịch trên kênh khớp lệnh chỉ đạt hơn 14.000 tỷ đồng.
Khối ngoại chiếm hơn 2.500 tỷ đồng và đảo chiều bán ròng gần 600 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung bán VHM 230 tỷ đồng, VRE 62 tỷ đồng; VNM, HDB trên 50 tỷ đồng; PLX 49 tỷ đồng; VCG, DGC hơn 30 tỷ đồng… Chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất hai mã ngân hàng là TCB và TPB, với giá trị hơn 30 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có VCI, HSG, PVD, SSI, STB trên 20 tỷ đồng…
VN30 giảm hơn 10 điểm, lùi về mốc 1.336,21 điểm. VNM tiêu cực nhất với mức giảm 2,6%, lùi về giá 68.500 đồng/cp. Các mã giảm đáng kể khác là STB -1,9%, VRE -1,9%, GVR -1,8%, CTG -1,7%, BCM -1,7%, SSB -1,7%, MBB -1,6%, TPB -1,4%... Chiều tăng có FPT, GAS, MWG, PLX, POW, trong đó PLX tăng tốt nhất +1,6%. HPG, VIB, VPB đứng tham chiếu.
Các nhóm trụ cột của thị trường hôm nay đều chìm trong sắc đỏ. Nhóm ngân hàng ngoài các bluechip như kể trên thì các mã nhỏ cũng hầu hết đều giảm giá. Giảm mạnh nhất là EIB -3,4%, tiếp đến là BVB -2,5%, NVB -2,2%, VAB -2,1%... Chiều tăng có BAB, LPB, OCB, PGB, SGB, với mức tăng không đáng kể.
Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn vài mã giữ được sắc xanh, gồm BMS, BSI, HAC, HCM. Các mã này chỉ tăng nhẹ. Chiều giảm có VFS “rơi” mạnh nhất 4,4%, còn lại chủ yếu giảm trên dưới 1%. APS, EVS, PSI, SBS, VIG, VUA, WSS đứng tham chiếu.
Nhóm bất động sản đa số giảm giá nhưng mức giảm không lớn. VRE, IDC, BCM, CEO, SJS, VCR, LHG… giảm hơn 1%; VIC, VHM, SSH, VPI, NLG, SIP, DIG, DXG, KSF, IJC, KOS… giảm dưới 1%. Chiều tăng có KDH, KBC, HDG, CRE, CKG, NTL, SCR… nhưng mức tăng cũng không đáng kể.
Nhóm thép ghi nhận HPG đứng tham chiếu, HSG +1,2%, NKG +0,5%, VGS +0,8%, SMC +0,3%. Ngược lại, TVN -1,1%, GDA -0,4%.
Nhóm có diễn biến tích cực hơn thị trường hôm nay là dầu khí, với PLX +1,6%, PVB +2,7%, PVD +1,7%, PVE +5%, PVS +1,7%. OIL đứng tham chiếu còn BSR giảm nhẹ.
Các nhóm còn lại chủ yếu ở chiều giảm với các cổ phiếu biến động trong biên độ hẹp. Ngược dòng có HAG tăng hơn 6% lên giá 11.200 đồng/cp.
Thông tin mới nhất về Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là việc công ty mới công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Cụ thể, lô trái phiếu HAGLBOND16.26 được HAGL phát hành vào ngày 30/6/2016 và đáo hạn vào ngày 30/12/2026 (thời hạn 10 năm). Tại thời điểm ngày 30/9/2024, số tiền gốc chậm thanh toán lô trái phiếu này là 1.015 tỷ đồng và tiền lãi chậm thanh toán lũy kế 3.486 tỷ đồng, tổng cộng là 4.501 tỷ đồng. Đây đang là khoản nợ lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai.
Theo giải trình của Hoàng Anh Gia Lai, lý do chậm thanh toán là do chưa thu đủ nguồn tiền từ khoản nợ của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã cổ phiếu HNG) và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của công ty.
Hoàng Anh Gia Lai dự kiến sẽ thanh toán phần còn lại trong quý 4/2024. Trước đó, công ty đã thanh toán một phần số tiền gốc trị giá 100 tỷ đồng vào ngày 29/8 cho Ngân hàng BIDV. Số tiền trên đến từ việc Hoàng Anh Gia Lai thu nợ từ HAGL Agrico.
Trong năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai đã thực hiện việc thanh lý một số tài sản và các khoản đầu tư không sinh lợi của công ty nhằm mục đích thanh toán một phần nợ của lô trái phiếu HAGLBOND16.26, bao gồm việc thanh lý tài sản gắn liền với đất là công trình Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai, và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại Công ty Cổ phần BAPI.
Phạm Ngọc