1. Chứng khoán

VN-Index được dự báo vượt ngưỡng 1.300 điểm trong quý IV/2024

VN-Index trong quý IV được dự báo vượt lên vùng giá 1.300 điểm

Theo Công ty Chứng khoán Hà Nội – Sài Gòn (SHS), động lực tăng điểm trong tháng 9 của thị trường với các mã Ngân hàng như CTG, VPB TPB, STB cùng VHM, HPG.

Báo cáo chiến lược của SHS cho thấy, xu hướng VN-Index trong quý IV được dự báo vượt lên vùng giá 1.300 điểm để hướng đến các vùng giá cao hơn 1.320 điểm - 1.350 điểm với kỳ vọng căng thẳng địa chính trị trên thế giới hạ nhiệt, kết quả kinh doanh Quý III của các doanh nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng.

Trước đó, VN-Index phục hồi trong nửa cuối tháng 9 và quay lại vùng đỉnh cao nhất năm 2024. Như vậy trong quý III, VN-Index duy trì 03 tháng liên tục tăng điểm nhẹ và đóng cửa phiên cuối quý ở 1.287,94 điểm, tăng 3,42% QoQ, sau khi đã kiểm định vùng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm. Chỉ số cũng vượt lên trên vùng giá cao nhất năm 2023 (1.250 điểm), mở ra triển vọng tích cực hơn với xu hướng tăng trưởng trung hạn.

Tháng 9/2024, thanh khoản tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp và thấp nhất kể từ tháng 10/2023. Giá trị giao dịch trung bình chỉ đạt 17.737,35 tỷ đồng/phiên cho thấy dòng tiền vẫn chưa cải thiện tốt trở lại. Lũy kế 9 tháng tổng giá trị giao dịch tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2023. Nhà đầu tư cá nhân mua ròng trong tháng 9 và lũy kế 9 tháng mua ròng kỷ lục 66.895 tỷ đồng. Số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm 9 tháng đạt 1,57 triệu tài khoản (+69,8% YoY).

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm quy mô bán ròng. Giá trị bán ròng trong tháng 9 tiếp tục giảm còn -2.186,16 tỷ đồng (-42,40% MoM). Dòng vốn ETF cũng giảm quy mô rút ròng xuống 27 triệu USD và chủ yếu đến từ các quỹ FUBON, DCVFM VN30 ETF.

Báo cáo của SHS cũng cho thấy, kinh tế phục hồi mạnh quý III với GDP tăng 7,4%, 9 tháng tăng 6,82%. Công nghiệp chế biến chế tạo duy trì là động lực tăng trưởng chính bên cạnh sự khởi sắc của xuất khẩu, dịch vụ du lịch. FDI đăng ký 9 tháng tăng 11,6% YoY, FDI thực hiện tăng 8,9% và đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử. Tỷ giá ổn định, lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 9. Tuy nhiên giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 47,29% kế hoạch đề ra. Phòng Phân tích SHS dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 6,8% - 7%, vượt kế hoạch 6,5% đã được Quốc hội thông qua.

Các tín hiệu vĩ mô bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc khi tăng trưởng GDP quý III năm 2024 đạt 7,4%, đưa GDP 9 tháng năm 2024 tăng 6,82% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng 9 tháng đạt 6,18%, vẫn thấp hơn mức trung bình khoảng trên 7% thời điểm trước đại dịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,8% cho thấy sức cầu toàn nền kinh tế còn yếu.

Vào thời điểm kết thúc tháng 9/2024, định giá P/E của VN-Index tăng lên 15,83, thấp hơn P/E trung bình 10 năm (16,6x) và trung bình 5 năm (17,3x). Với mức P/E Forward 12,1 được xem là khá hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng hiện nay.

Một số sự kiện kinh tế nổi bật trong nước và quốc tế tháng 10/2024

Tháng 10 cũng ghi nhận nhiều sự kiện kinh tế trong nước và quốc tế đáng chú ý như: Công bố số liệu kinh tế Việt Nam quý III/2024; FTSE Russell công bố xếp hạng thị trường; Ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng tương lai VN30 tháng 10/2024; Công bố cập nhập thay đổi cổ phiếu thành phần chỉ số VNFINSELECT, VNDIAMOND; Công bố chỉ số Quản Lý Thu Mua (PMI) - Sản Xuất ở Mỹ; Công bố tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ,…

Cẩm Vân

Tin khác