VN-Index đã xuất hiện tín hiệu hồi phục?
Thị trường tăng, dòng tiền vẫn "yếu ớt"
Kết thúc phiên cuối tuần (22/11), sau 2 phiên tăng bật hơn 20 điểm vào giữa tuần, VN-Index xuất hiện trạng thái giằng co tại vùng kháng cự 1.230 điểm. Đây cũng là vùng thử thách của VN-Index lần thứ 3, một lần nữa thị trường không vượt qua thành công, đóng cửa với phiên giảm nhẹ 0,23 điểm (tương đương -0,02%), xuống mức 1.228,1 điểm.
"Sắc đỏ" chiếm ưu thế với 213 mã giảm, 151 mã tăng. Thanh khoản vẫn khá khiêm tốn, chỉ đạt gần 12.758 tỷ đồng tại sàn HOSE.
Nhóm cổ phiếu lớn gồm bất động sản, chứng khoán chịu áp lực xả: VHM (Vinhomes, HOSE) giảm 3,93%, NVL (Novaland, HOSE) giảm 2,22%, SSI (Chứng khoán SSI, HOSE), VND (Chứng khoán VNDirect, HOSE),…
Dù vậy, "điể̉m sáng" của phiên nằm ở việc khối ngoại bất ngờ đảo chiều mua ròng sau hơn 1 tháng liên tiếp xả mạnh. Tổng giá trị mua ròng toàn thị trường đạt 28,1 tỷ đồng, đảo chiều so với mức bán ròng 928,4 tỷ đồng trong phiên trước đó. Tâm điểm thuộc về cổ phiếu HDG (Tập đoàn Hà Đô, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE), FPT (FPT, HOSE), MWG (Thế giới Di động, HOSE),…
Nhìn chung, kết thúc phiên hôm nay, chỉ số VN-Index xác lập 2 phiên liên tiếp hồi phục với hơn 10 điểm mỗi phiên nhưng thanh khoản vẫn còn ảm đạm.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua những ngày giao dịch khá ảm đạm kể từ đầu tháng 11 đến nay với việc VN-Index đả giảm một mạch hơn 100 điểm khi trước đó đã có lúc vượt ngưỡng 1.300 điểm. Song, ngưỡng này vẫn không dễ dàng chinh phục trong bối cảnh dòng tiền thị trường còn nhiều quan ngại về vĩ mô.
Ông Bùi Ngọc Trung, chuyên viên tư vấn, Chứng khoán Mirae Asset, cho biết, thị trường giao dịch trầm lắng khi thanh khoản duy trì ở mức khá thấp, trung bình chỉ đạt hơn 10.000 tỷ đồng/phiên.
Điều này phần nào phản ánh tâm lý hoài nghi, dè chừng của nhà đầu tư khi các cơ hội đầu tư chưa thực sự rõ ràng và khối ngoại vẫn tiếp tục vị thế bán ròng của mình. Tính từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng khoảng 85 tỷ đồng, gây ra nhiều áp lực cho nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn và khiến VN-Index chưa thực sự có đủ động lực để phục hồi nhanh trở lại.
Ngoài ra, các yếu tố khác cũng đang tác động tới thị trường, gồm: áp lực tỷ giá, triển vọng hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như các yếu tố lợi nhuận doanh nghiệp chưa quá tích cực sau kết quả kinh doanh quý 3 vừa qua.
Dù vậy, 2 phiên giữa tuần (20-21/11) vừa qua, chỉ số VN-Index liên tiếp tăng mạnh với hơn 10 điểm mỗi phiên nhưng ông Trung cho rằng, những tín hiệu hồi phục vẫn chưa thực sự rõ rệt, đặc biệt là chưa có bước ngoặt mới về sức mạnh dòng tiền và xu hướng chính vẫn duy trì ở trạng thái điều chỉnh, có thời điểm chỉ số đánh mất mốc 1.200.
Ông Trung nhận định, thị trường sẽ duy trì nhịp hồi này trong ngắn hạn tại mốc 1.230 - 1.250 điểm với mức thanh khoản duy trì tốt trung bình lên 15.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn cuối năm nay, nhà đầu tư (NĐT) cần chú ý những thông tin sau: Quyết định về lãi suất và định hướng của Fed trong tháng 12; Dự phóng kết quả kinh doanh quý 4 năm nay đi kèm với các thông tin về vĩ mô với nhiều số liệu kinh tế quan trọng cho cả năm 2024 để hình thành được bức tranh tổng quan về kinh tế cũng như đánh giá được triển vọng thị trường cho định hướng năm 2025.
Ngoài ra, NĐT cần tập trung đánh giá lại danh mục đầu tư của mình trong thời gian qua để lên chiến lược phân bổ nguồn lực trong giai đoạn tới khi thị trường gần như đã chiết khấu đủ sâu ở những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và sẽ tiếp tục hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp.
Thị trường đã thực sự hồi phục, cơ hội nào cho mốc 1.300 điểm?
Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn khi liên tục sụt giảm mạnh. Do vậy, nếu nói đến con số 1.300 điểm vào thời điểm này, nhiều NĐT nghe đến đều sẽ ấn tượng sâu sắc khi VN-Index đã không dưới 2 lần tiếp cận và đều thất bại trong năm nay, đây dường như là ngưỡng tâm lý quan trọng, có phần làm cản bước nhịp tăng cho thị trường.
Tuy nhiên, nhìn lại trong thời kỳ bùng nổ của thị trường trong 2-3 năm qua thì đã có lúc chúng ta đạt được các cột mốc cao hơn (VN-Index đã từng giao dịch trên mốc 1.520 điểm).
Vì vậy, ông Trung nhấn mạnh, thị trường vẫn sẽ có cơ hội sớm chinh phục trở lại và thành công vượt qua 1.300 điểm, song những thử thách và câu chuyện kỳ vọng có thể xa hơn cuối năm nay.
Nhìn về cuối năm 2024 và cả bức tranh 2025 thị trường đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Ước tính nếu Việt Nam nâng hạng thành công theo tiêu chuẩn MSCI và FTSE, thị trường chứng khoán nước ta sẽ đón nhận 25 tỷ USD dòng vốn đầu tư tính đến năm 2030.
Thị trường Bất động sản trong nước đang từng bước hồi phục như dự kiến cũng sẽ khơi thông các dòng vốn lớn trong nước và lan tỏa hơi nóng đến các nhóm ngành tiềm năng khác như Ngân hàng và Vật liệu xây dựng,...
Tuệ Anh