VMG Media (ABC) bỏ quyền góp vốn vào iMedia: Cổ đông nghi ngờ có mâu thuẫn lợi ích
Doanh thu, lợi nhuận lao dốc
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, triệu tập lần thứ 2 trong tháng 9 vừa qua của VMG Media, một nhóm cổ đông đại diện cho 48,85% cổ phần có quyền biểu quyết đã chất vấn quyết liệt Hội đồng quản trị và Ban điều hành về lý do từ chối tham gia góp vốn khi Công ty cổ phần Công nghệ và dịch vụ Imedia (iMedia) tăng vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng, qua đó gián tiếp từ bỏ lợi ích tại công ty này.
iMedia vốn là công ty con, mỗi năm đóng góp khoảng 30 - 40% vào cơ cấu doanh thu hợp nhất của VMG Media. Tuy nhiên, từ tháng 7/2021, VMG Media không còn là công ty mẹ của iMedia, sau khi từ bỏ quyền góp vốn mới trong đợt tăng vốn điều lệ của công ty này lên 50 tỷ đồng. Tỷ lệ nắm giữ cổ phần của VMG Media tại iMedia giảm xuống còn 6,12%.
Một số chỉ tiêu kết quả kinh doanh của iMedia (Giai đoạn 2018 - 2022).
Đáng chú ý, khi không còn là công ty con của VMG Media, iMedia có sự bứt phá mạnh mẽ về kết quả kinh doanh (xem đồ thị). Ngược lại, trong thời gian này, kết quả kinh doanh VMG Media liên tục đi xuống.
Nếu như năm 2020, doanh thu của VMG Media đạt 3.371,3 tỷ đồng thì đến năm 2021 giảm xuống còn 1.525,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong hai năm này lần lượt là con số âm 181,4 tỷ đồng và hơn 580,4 tỷ đồng, do Công ty phải trích lập dự phòng rủi ro liên quan đến vụ kiện từ đối tác GPS/UTC như Báo Đầu tư Chứng khoán đã thông tin tại số báo trước.
Trong thông tin cung cấp cho các cổ đông tại đại hội cổ đông vừa qua, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, VMG Media và iMedia đang có 5 dịch vụ hợp tác, bao gồm gateway, brandname, giá trị gia tăng (VAS), dịch vụ dữ liệu và thương mại.
Theo ông Trần Bình Dương, Tổng giám đốc VMG Media, Công ty đang vướng vụ kiện liên quan đến VNPT Epay nên không đủ điều kiện để tham gia đấu thầu ở nhiều dự án mới, do đó, Ban lãnh đạo đã thống nhất ký kết hợp tác với iMedia và để iMedia đứng thay cho VMG Media ở một số lĩnh vực để tham gia đấu thầu, bao gồm cả các lĩnh vực truyền thống như SMS brandname hay payment gateway.
Song, với thực tế là ông Dương đang nắm giữ 30% cổ phần tại iMedia, trong khi chỉ sở hữu 0,21% cổ phần VMG Media (tính tại thời điểm cuối tháng 6/2022), thì việc "đứng thay" này có đảm bảo tính khách quan trong mối quan hệ lợi ích giữa hai bên hay không và việc VMG có mất dần đối tác về tay iMedia khi các mảng kinh doanh chính của đơn vị này đều là các mảng kinh doanh truyền thống của VMG Media, bao gồm SMS Brandname, giá trị gia tăng, dữ liệu, mã thẻ/topup sẽ rất khó trả lời.
Chưa kể, theo đánh giá của Ban lãnh đạo VMG Media, iMedia có một số điểm mạnh trong từng dịch vụ như dịch vụ Gateway, xuất phát từ việc đây là công ty thanh toán có kinh nghiệm trong việc xác định đối tượng. Mảng dịch vụ phân tích dữ liệu mà VMG Media đang hướng tới, thực tế đã được iMedia đi trước vài năm.
Bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Tại thời điểm 30/6/2022, VMG Media ghi nhận lỗ lũy kế 696,72 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 205,87 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn (1.141,8 tỷ đồng) đã vượt quá tài sản ngắn hạn (688,3 tỷ đồng) là hơn 446,41 tỷ đồng. Điều này đặt VMG Media vào tình trạng rủi ro mất thanh khoản ngắn hạn một khi phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore liên quan vụ kiện của GPS/UTC được thông qua tại Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2022 sau soát xét, VMG Media còn khoảng hơn 158,7 tỷ đồng tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là các trái phiếu sắp đáo hạn vào cuối năm nay. Dù Công ty còn khoảng 371,6 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, nhưng đơn vị kiểm toán là AASC vẫn lưu ý là “các yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VMG Media trong tương lai gần”.
Một trong những lo ngại hiện nay với nhiều cổ đông VMG Media là quy mô nhân sự của Công ty khá
khiêm tốn với chi phí hoạt động chủ yếu là các chi phí nhân công và chi phí dịch vụ thuê ngoài. Còn giá vốn hàng bán thì chủ yếu là các mặt hàng thẻ nạp, mặc dù ít bị mất giá trị, nhưng nhìn chung thị trường ngày càng bị thu hẹp, tỷ trọng lãi gộp các dịch vụ giảm dần theo thời gian, trong khi cấu trúc chi phí của Công ty đã ổn định, chi phí cố định cao, dẫn đến việc dễ bị tổn thương khi cạnh tranh về giá bán.
Hiện cổ phiếu ABC đang nằm trong diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM theo quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Nguyên nhân là do doanh nghiệp này bị âm vốn chủ sở hữu căn cứ theo báo cáo tài chính bán niên 2022 đã soát xét.
Trang Ninh