Chứng khoán đã bớt rủi ro
Sau chuỗi ngày giảm điểm mạnh và liên tục, thị trường chứng khoán ngày 25-10 đã lấy lại sắc xanh giúp giới đầu tư bớt lo lắng. Tuy vậy, vì dòng tiền còn yếu nên VN-Index, chỉ số chính của thị trường, vẫn chưa lấy lại được mốc 1.000 điểm.
Cụ thể, VN-Index chốt phiên tại 997,7 điểm, tăng 11,55 điểm; ngược lại, HNX-Index giảm 1,67 điểm, còn 207,83 điểm và UpCom-Index giảm 0,2 điểm, còn 76,25 điểm. Đà tăng của VN-Index chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, sắt thép, bán lẻ và một số cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30. Phần còn lại của thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ, đặc biệt nhóm cổ phiếu bất động sản có nhiều mã rớt kịch sàn.
Dù tốc độ mua bán giằng co mạnh mẽ nhưng giá trị giao dịch lại không có nhiều đột biến với tổng trên các sàn đạt 14.119 tỉ đồng, cao hơn 3% so với phiên đầu tuần. Trong đó, giao dịch tại sàn HoSE chiếm phần lớn với hơn 12.600 tỉ đồng. Ngược lại, thị trường phái sinh ghi nhận lượng giao dịch kỷ lục với 644.594 hợp đồng được mua bán, trị giá hơn 61.800 tỉ đồng, cho thấy nhà đầu tư vẫn chọn đây làm nơi "trú ẩn" trong lúc thị trường cơ sở còn nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn yếu lại bị tác động bởi các tin đồn nên giảm sâu là dễ hiểu.
Khi chỉ số xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm thì trạng thái bán tháo xảy ra, đồng thời kích hoạt lệnh bán giải chấp ở các công ty chứng khoán càng khiến thị trường giảm thêm. Trong phiên ngày 25-10, thị trường đã có dấu hiệu tích cực khi nhà đầu tư tin rằng những thông tin xấu với thị trường đã "bộc ra" hết.
Về tác động của việc tăng lãi suất tới thị trường chứng khoán, ông Minh cho rằng quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước thực chất là hợp thức hóa những gì các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đã ứng xử với thị trường, bởi dòng tiền đã bị hao hụt từ trước khi thông tin tăng trần lãi suất được công bố. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất này không có nghĩa là nhà đầu tư sẽ rút hết tiền để gửi tiết kiệm, không đầu tư chứng khoán nữa, bởi lợi nhuận trên thị trường chứng khoán là lãi kép.
"Lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra hằng năm trên cổ phiếu đang ở mức 9,5%, cao hơn lãi suất ngân hàng nên thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm. Quan trọng là dòng tiền lớn đã vào chưa và nhà đầu tư cá nhân mua vào thời điểm nào để tối ưu hóa dòng tiền. Chúng tôi kỳ vọng trong tháng 11 và 12 tới, thị trường sẽ có nhịp hồi phục khá tốt trước khi doanh nghiệp có báo cáo lợi nhuận quý IV để định giá lại hoàn toàn cổ phiếu" - ông Minh nhìn nhận.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, cũng cho rằng hiện tại thị trường đang chờ "ánh sáng cuối đường hầm". Nếu tin tích cực sớm xuất hiện có thể VN-Index sẽ nhanh chóng lấy lại mốc 1.000 điểm.
"Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu cần chọn những ngành, doanh nghiệp với tiêu chí rõ ràng. Ví dụ, doanh nghiệp nào có nguồn tiền dự trữ cao khi lãi suất tăng thì càng thuận lợi; doanh nghiệp có sử dụng nguyên vật liệu khai thác trong nước, chế biến xuất khẩu khi tỉ giá tăng là lợi thế; doanh nghiệp nào vay nợ ít thì khi lãi suất tăng cũng không quá lo. Đặc biệt, cần tránh cổ phiếu của những doanh nghiệp đang nợ trái phiếu vì phải lo đáo hạn vào năm 2023…" - ông Tuấn khuyên.
Sơn Nhung