1. Chứng khoán

Vinam Land: Doanh nghiệp BĐS 'hành tung bí ẩn' ngập trong thua lỗ

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã đăng tải văn bản của Công ty CP Vinam Land công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính.

Theo đó, trong nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp lỗ ròng gần 123 triệu đồng, gần gấp đôi khoản lỗ 67 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Liên tục kinh doanh thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu của Vinam Land bị "ăn mòn", giảm về còn gần 401,2 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6/2024).

Mặc dù văn bản công bố không nêu rõ hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và tỷ lệ dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu, nhưng theo dữ liệu từ HNX, Vinam Land hiện đang lưu hành lô trái phiếu mã VNLCH2329001 trị giá 1.500 tỷ đồng.

Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 23/6/2023, có kỳ hạn 72 tháng và dự kiến đáo hạn vào ngày 23/6/2029. Tuy nhiên, các chi tiết như trái chủ, mục đích phát hành hay tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này vẫn chưa được tiết lộ.

Hành tung bí ẩn

Được thành lập vào tháng 5/2018, Vinam Land có tên gọi ban đầu là Công ty CP Chuẩn Bị Làm Nhà với vốn điều lệ chỉ 3,6 tỷ đồng, gồm ba cổ đông sáng lập: Lê Minh Tân với tỷ lệ sở hữu 30%, hai cổ đông còn là là bà Nguyễn Thị Vân Anh và ông Khương Duy Thanh với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 15% và 55%.

Địa chỉ trụ sở chính của Công ty được đặt tại đường Cầu Diễn (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội). Tuy nhiên, ngày 8/4/2023, trụ sở công ty thay đổi về thôn Phú Quý, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Cùng thời điểm này, công ty đổi tên thành Vinam Land và vốn điều lệ tăng vọt lên 490 tỷ đồng, sau đó tiếp tục tăng lên 520 tỷ đồng vào tháng 5 cùng năm.

Sau đó, doanh nghiệp này phát hành lô trái phiếu VNLCH2329001 trị giá 1.500 tỷ đồng. Thời điểm đó, cái tên Vinam Land đã khiến dư luận xôn xao. Không chỉ gây ấn tượng với khả năng huy động nguồn vốn lớn qua kênh trái phiếu, công ty này còn tạo sự chú ý bởi những hoạt động đầy bí ẩn.

Cụ thể, khi các cơ quan báo chí xác minh, chính quyền địa phương huyện Tuy An khẳng định không có hoạt động nào của công ty tại địa chỉ này.

Đại tá Phạm Hồng Sương, Trưởng Công an huyện Tuy An, thời điểm đó cho biết lực lượng cảnh sát kinh tế đã vào cuộc điều tra. Qua quá trình xác minh, ông khẳng định trên địa bàn huyện không tồn tại công ty nào mang tên Vinam Land, và còn bày tỏ lo ngại rằng đây có thể là một công ty "ma" được dựng lên với mục đích lừa đảo.

Sau những thông tin này, Giám đốc Nguyễn Văn Quang, người đại diện pháp luật của Vinam Land, đã lên tiếng giải thích. Ông thừa nhận thiếu sót trong quá trình hoạt động và khẳng định công ty đã nhanh chóng khắc phục bằng cách treo biển tại địa chỉ đăng ký, đồng thời thuê mới địa điểm kinh doanh tại số 252 đường Nguyễn Huệ, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Công ty cũng đang tiến hành các thủ tục hoàn thiện đăng ký kinh doanh tại địa chỉ mới.

Nói thêm về lô trái phiếu mã VNLCH2329001 trị giá 1.500 tỷ đồng được Vinam Land phát hành năm 2023, trong quá trình phát hành trái phiếu, Vinam Land đã sử dụng toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp với ông Lê Văn Chí để thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).

Hợp đồng này được ký vào ngày 25/5/2023, ngay sau khi Công ty TNHH IEXPO - doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Chí - tăng vốn điều lệ "thần tốc" từ 1 tỷ đồng lên hơn 2.002 tỷ đồng. Đến tháng 7/2023, Vinam Land chính thức trở thành chủ sở hữu của IEXPO, đồng thời ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Quang quản lý toàn bộ số vốn góp hơn 2.002 tỷ đồng của công ty này.

Bên cạnh IEXPO, doanh nhân Lê Văn Chí còn giữ vai trò đại diện pháp luật của nhiều doanh nghiệp khác có vốn điều lệ lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng như Công ty CP Đầu tư Bất động sản Đất Việt TG Land, Công ty TNHH Vesta Minh Huy, và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại Tiến Đạt.

Minh Nhật

Tin khác