1. Tài chính

Vinachem đã tất toán khoản nợ vay và lãi 340 triệu USD cho China Eximbank

Thông tin trên được ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết tại sự kiện tọa đàm về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp diễn ra hôm 26-9 tại Hà Nội. Theo ông Tú, trong tháng 8, Vinachem đã hoàn thành việc trả toàn bộ số nợ vay cho Bộ Tài chính khi thực hiện dự án điện đạm Ninh Bình (trước đó Bộ Tài chính vay từ ngân hàng của Trung Quốc) với tổng số tiền là 340 triệu USD, bao gồm cả 250 triệu USD nợ gốc.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó TGĐ Vinachem thông tin tại sự kiện tọa đàm về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình) do Vinachem làm chủ đầu tư, khởi công tháng 5-2008, có tổng mức đầu tư 667 triệu USD từ nhiều nguồn (vốn tự có, vốn vay, vốn hỗ trợ của địa phương…), trong đó riêng khoản vay từ China Eximbank của có trị giá 250 triệu USD với thời hạn vay 15 năm (2008-2023).

Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động năm 2012, Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ, hiện lỗ hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng.

Dự án nhà máy điện đạm Ninh Bình sau khi đi vào hoạt động đã từng ngập chìm trong thua lỗ triền miên

Tính đến ngày 31-12-2021, Đạm Ninh Bình còn nợ 12.000 tỷ đồng, trong đó 80% là nợ gốc (khoảng 9.600 tỷ đồng), 20% là nợ lãi (khoảng 2.400 tỷ đồng). Năm 2021 và nửa đầu năm 2022, Đạm Ninh Bình đã hoạt động có lãi trở lại, nhưng do lỗ lớn từ những năm trước, nên nhà máy vẫn chìm trong nợ. Tuy nhiên, theo đại diện Vinachem, năm 2022 là năm mà đơn vị này “ăn nên làm ra” nhờ điều kiện thuận lợi từ thị trường bên ngoài.

Năm 2022, Vinachem đã đạt doanh thu và lợi nhuận ở mức cao nhất kể từ khi thành lập tập đoàn đến nay với mức doanh thu đạt 62.023 tỷ đồng, lợi nhuận 6.200 tỷ đồng, xuất khẩu trên 500 triệu USD (tăng 17% so với 2021).

Cũng theo địa diện Vinamchem, kết thúc năm 2022, riêng Nhà máy Điện đạm Ninh Bình cũng ghi nhận mức lãi gần 800 tỷ đồng.

Lưu Thủy

Tin khác