Viglacera góp 306 tỷ đồng, sở hữu 51% vốn điều lệ thành lập công ty con ở Phú Thọ
Công ty con có tên Công ty cổ phần Viglacera Phú Thọ, vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Viglacera sẽ tham gia góp vốn với tư cách là cổ đông sáng lập, giá trị góp vốn tối thiểu là 306 tỷ đồng, tương đương 30,6% cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Tỷ lệ sở hữu vốn của Viglacera tại Công ty mới tối thiểu là 51%.
Với việc thành lập thêm Viglacera Phú Thọ, tổng số công ty con trực tiếp của Công ty sẽ tăng lên 22. Tại thời điểm ngày 30/6/2024, Viglacera đang sở hữu 21 công ty con trực tiếp, 6 công ty con gián tiếp, 2 công ty liên doanh, 4 công ty liên kết trực tiếp và 4 công ty liên kết gián tiếp.
Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần quý II/2024 giảm 31% so với cùng kỳ năm trước xuống 2.711 tỷ đồng. Viglacera báo lãi trước thuế 230 tỷ đồng, giảm 71%; lãi sau thuế 171 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Viglacera đạt 5.351 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
Ngày 22/10 tới đây, Viglacera sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức còn lại năm 2023 tỷ lệ 12,5% bằng tiền (tương ứng1 một cổ phiếu được nhận 1.250 đồng). Thời gian thanh toán vào ngày 14/11. Công ty dự chi khoảng 560,43 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn chi trả từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 của Viglacera.
Quan sát bức tranh doanh thu của Viglacera từ 2017 - 2023 từ các báo cáo tài chính hợp nhất có thể thấy rõ sự thay đổi lớn nhất đến từ doanh thu dịch vụ cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp.
Trong cơ cấu doanh thu của Viglacera, đóng góp phần lớn đến từ việc bán các sản phẩm sen vòi, sứ, phụ kiện; gạch ốp lát; gạch, ngói sét đất nung và dịch vụ cho thuê bất động sản, khu công nghiệp.
Nếu như doanh thu 3 mảng sản phẩm trên không có sự biến động đáng kể từ năm 2017 đến nay thì mảng dịch vụ cho thuê bất động sản, khu công nghiệp lại có sự thay đổi đáng ngạc nhiên.
Sự thay da đổi thịt của Viglacera sau khi về cùng nhà Gelex không chỉ có những điểm tươi sáng, mà còn có cả nỗi lo từ số nợ phải trả, đặc biệt là chi phí vay nợ, thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn.
Dữ liệu từ báo cáo tài chính của Viglacera cho thấy, tổng chi phí vay nợ, thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn các năm lần lượt: 2.141 tỷ đồng (2017); 2.109 tỷ đồng (2018); 2.163 tỷ đồng (2019); 1.897 (2020); 3.188 tỷ đồng (2021); 3.616 tỷ đồng (2022) và lập đỉnh 5.134 tỷ đồng (2023).
Diệu Phương