Vietcombank muốn tăng vốn lên gần 89.000 tỷ đồng
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Vietcombank sáng 26/4. Ảnh: Hồng Nhung.
Sáng 26/4, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (HoSE: VCB) đã trình cổ đông về một loạt nội dung quan trọng dự kiến triển khai trong năm 2025.
Cụ thể, ngân hàng đã trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ, nhằm bổ sung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Theo đó, Vietcombank dự kiến chào bán tối đa 6,5% số cổ phiếu đang lưu hành, tương đương hơn 543,1 triệu cổ phiếu, cho tối đa 55 nhà đầu tư gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá lên tới 5.431 tỷ đồng.
Việc chào bán có thể được thực hiện trong một hoặc nhiều đợt trong giai đoạn 2025-2026, tùy theo nhu cầu thực tế của nhà đầu tư. Cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong tối thiểu 3 năm với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Vietcombank cho biết nếu cổ đông chiến lược - Ngân hàng Mizuho Nhật Bản - nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% sẽ được cử thêm một thành viên vào HĐQT, nhưng không quá 2 người. Nhà đầu tư nước ngoài khác, nếu sở hữu từ 5% vốn trở lên, cũng có quyền đề cử một thành viên HĐQT. Việc đề cử và vào nắm quyền trong HĐQT của các cổ đông lớn đều sẽ dựa trên cơ sở được NHNN chấp thuận.
Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ 83.557 tỷ đồng lên khoảng 88.988 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng đã phát hành hơn 2,76 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, nâng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.
Năm 2025, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tại ngân hàng mẹ đạt 42.734 tỷ đồng và có thể điều chỉnh theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đặt mục tiêu tăng 3,5%.
Trong năm 2024, Vietcombank báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt kỷ lục 42.236 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu của năm 2025, ngân hàng muốn đạt khoản lợi nhuận hợp nhất trước thuế khoảng 43.714 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng đặt các chỉ tiêu tăng trưởng tổng tài sản đạt tối thiểu 10%, tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 16,28%; huy động vốn trên thị trường 1 tăng 8% hoặc điều chỉnh theo mức tăng trưởng được giao, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.
Hiện Vietcombank là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, với quy mô hơn 466.200 tỷ đồng, và là doanh nghiệp duy nhất có trên 8 tỷ cổ phiếu niêm yết.
Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông bầu bổ sung hai thành viên HĐQT và một thành viên Ban kiểm soát cho phần thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2023-2028.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 7/3, Vietcombank đã bầu ông Lê Quang Vinh đang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành làm Thành viên HĐQT thay cho ông Nguyễn Mỹ Hào nghỉ hưu từ 1/11/2024. Cùng ngày, ông Vinh cũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ngân hàng, nhiệm kỳ 5 năm kể từ ngày 7/3.
Tính tới cuối năm 2024, tổng tài sản của Vietcombank tăng 13% đạt 2,1 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% lên 1,5 triệu tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 8% lên 1,5 triệu tỷ đồng. Nợ xấu tăng gần 11% lên 13.964 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 0,96%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao 223%.
Hồng Nhung