1. Tài chính

Vietbank đặt mục tiêu niêm yết HoSE chậm nhất trong năm 2026

Vietbank đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 55%, tăng vốn lên 10.920 tỷ đồng và niêm yết trên HoSE. Ảnh minh họa

Mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 55% trong năm 2025

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã: VBB) vừa công bố tài liệu cho Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025, trong đó đề ra kế hoạch kinh doanh, lộ trình tăng vốn điều lệ và quyết định lùi thời gian niêm yết.

Theo tài liệu gửi đến cổ đông, ngân hàng VietBank cho biết, bước sang năm 2025, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đà phục hồi, song những điều chỉnh về thuế quan từ nhiều quốc gia có thể làm chênh lệch lợi thế cạnh tranh giữa các khu vực. Kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, với GDP dự kiến đạt mức 6,5 - 7%.

Chính sách thương mại linh hoạt cùng xu hướng giảm của lãi suất toàn cầu mang đến không gian rộng mở cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, tạo điều kiện thúc đẩy tín dụng. Đồng thời, các tiêu chuẩn quản lý tiếp tục được siết chặt nhằm kiểm soát rủi ro, duy trì sự ổn định của thị trường tài chính và tiền tệ.

Tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ duy trì sự ổn định và được điều tiết linh hoạt theo biến động vĩ mô. Đến cuối năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động VND đã giảm đáng kể so với các năm trước, kéo theo xu hướng điều chỉnh giảm của lãi suất cho vay dù có độ trễ nhất định. Trong năm 2025, lãi suất huy động và cho vay dự kiến sẽ tiếp tục giảm nhẹ và duy trì trạng thái ổn định, giúp biên lợi nhuận của các ngân hàng không chịu nhiều biến động đột ngột.

Trong bối cảnh này, Vietbank đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên 180.000 tỷ đồng vào cuối năm 2025, tăng 11% so với đầu năm. Tổng huy động (bao gồm giấy tờ có giá) dự kiến đạt 132.000 tỷ đồng, tăng 17%, trong khi tổng dư nợ nhắm đến mốc 112.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 20%. Ngân hàng cam kết kiểm soát tỷ lệ nợ xấu (theo Thông tư 31/NHNN) dưới 2,5%.

Đáng chú ý, Vietbank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong năm 2025 sẽ đạt 1.750 tỷ đồng, tăng mạnh 55% so với năm 2024.

Năm 2024, ngân hàng này ghi nhận lãi trước thuế đạt 1.131 tỷ đồng, tổng tài sản tới cuối năm này ghi nhận là 162.855 tỷ đồng và tổng dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 93.637 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.920 tỷ đồng

Cũng theo tài liệu, bước sang năm 2025, Vietbank đặt mục tiêu tiếp tục nâng vốn điều lệ thêm 3.780 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu dành cho cổ đông hiện hữu.

Đợt một, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 107 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 15%) với mệnh giá 10.000 đồng/cp, sử dụng từ nguồn vốn chủ sở hữu, bao gồm lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tính đến hết năm 2024. Các cổ phiếu phát hành sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng và dự kiến triển khai trong quý 2-3/2025. Sau đợt này, vốn điều lệ của Vietbank sẽ nâng lên 8.210 tỷ đồng.

Đợt 2, Vietbank tiếp tục chào bán gần 271 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 33% so với mức vốn điều lệ sau đợt 1), với giá phát hành 10.000 đồng/cp, tổng giá trị huy động hơn 2.709 tỷ đồng. Đợt phát hành này cũng không giới hạn chuyển nhượng và dự kiến thực hiện trong quý 3-4/2025.

Nếu cả hai đợt phát hành diễn ra thành công, Vietbank sẽ nâng vốn điều lệ từ 7.139 tỷ đồng lên gần 10.920 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn bổ sung sẽ được phân bổ cho việc đầu tư tài sản cố định, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới hoạt động, đồng thời đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định và tăng hiệu quả kinh doanh.

Cân nhắc niêm yết trên HoSE vào năm 2025 hoặc 2026

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông Vietbank (VBB) đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), nhưng thời điểm thực hiện sẽ phụ thuộc vào diễn biến thị trường.

Dựa trên kết quả kinh doanh năm 2022, 2023 và kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, Vietbank đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí pháp lý liên quan đến hiệu quả hoạt động, chỉ số tài chính và quản trị để tham gia thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế năm 2024 còn nhiều biến động, thị trường chứng khoán chịu tác động từ lạm phát, chính sách lãi suất và sự bất ổn của kinh tế vĩ mô, Vietbank quyết định chưa vội niêm yết. Ngân hàng sẽ theo dõi sát tình hình và lựa chọn thời điểm phù hợp hơn, dự kiến trong năm 2025 hoặc 2026, nhằm tối ưu hóa giá trị cổ phiếu khi lên sàn.

Tại Đại hội lần này, Vietbank cũng trình phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm tại ngân hàng theo Luật Các tổ chức tín dụng ban hành ngày 18/1/2024.

Thu Trang

Tin khác