Việt Nam sẽ xây dựng sàn giao dịch vàng?
Ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã có buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội, tập trung vào các vấn đề quản lý và bình ổn thị trường vàng. Buổi chất vấn thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, với các câu hỏi cụ thể xoay quanh chiến lược và giải pháp của NHNN nhằm ổn định thị trường trong bối cảnh giá vàng quốc tế biến động mạnh.
Vì sao NHNN chỉ bán chứ không mua vàng?
Nêu vấn đề về việc thực hiện các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong Thông báo số 160, ban hành ngày 14/4/2024, đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đề nghị Thống đốc NHNN chỉ rõ các biện pháp đã được triển khai và đánh giá tác động của chúng lên giá vàng hiện tại và dự báo trong tương lai.
Về nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh rằng, biến động của thị trường vàng Việt Nam không thể tách rời khỏi bối cảnh quốc tế. Giai đoạn 2014 - 2019, giá vàng trong nước khá ổn định và nhu cầu vàng của người dân giảm. Tuy nhiên, từ năm 2021, khi giá vàng thế giới tăng mạnh, thị trường trong nước cũng chịu ảnh hưởng lớn. NHNN đã phải can thiệp từ tháng 6/2024 khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đạt đỉnh. Để giảm sự chênh lệch này, NHNN đã tổ chức đấu thầu vàng, một biện pháp từng có hiệu quả cao vào năm 2013.
Nhờ các phiên đấu thầu và việc cung ứng vàng qua bốn Ngân hàng Thương mại Nhà nước, khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế đã giảm từ 15 - 18 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 3 - 4 triệu đồng/lượng. Theo Thống đốc, việc can thiệp phải phù hợp với bối cảnh Việt Nam không sản xuất vàng, nên phụ thuộc vào nhập khẩu. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có các điều chỉnh kịp thời.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đã chất vấn lý do tại sao NHNN chỉ bán mà không mua vàng, gây khó khăn cho người dân khi muốn bán vàng để lấy tiền mặt. Ông cũng thắc mắc tại sao NHNN chỉ bán vàng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mà không mở rộng ra các tỉnh thành khác.
Trả lời câu hỏi, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã không cung vàng ra thị trường từ năm 2014 vì không sản xuất vàng miếng. Do nhu cầu gia tăng, NHNN tập trung vào tăng cung mà chưa đặt vấn đề mua lại.
Hiện tại, có 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng. Về địa điểm bán vàng, NHNN không quy định cụ thể mà để doanh nghiệp tự xác định dựa trên nhu cầu thực tế. Ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi có nhu cầu cao, hoạt động mua bán sôi động hơn. Ở các tỉnh thành khác, không có hiện tượng xếp hàng mua vàng, do đó không nhất thiết phải mở rộng địa điểm bán.
Sẽ xây dựng sàn giao dịch vàng?
Về việc thành lập sàn giao dịch vàng, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) đã đề xuất rằng, đây có thể là cách giúp giao dịch vàng minh bạch và mang lại lợi ích cho nhà đầu tư.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đồng ý rằng sàn giao dịch vàng có thể giúp minh bạch hóa thị trường, nhưng lưu ý rằng cần phải đầu tư hạ tầng và đánh giá kỹ tác động. Vì Việt Nam không sản xuất vàng, việc nhập khẩu sẽ gây rủi ro nếu không được quản lý chặt chẽ. NHNN sẽ phối hợp với các bộ ngành để đánh giá toàn diện trước khi đề xuất thành lập sàn giao dịch vào thời điểm phù hợp.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) nêu vấn đề về việc quản lý thị trường vàng chưa hiệu quả do có nhiều cơ quan tham gia nhưng chưa phối hợp tốt. Thống đốc NHNN cho rằng, mỗi bộ ngành đều có chức năng riêng, được quy định rõ ràng trong văn bản pháp luật, và không có sự chồng chéo. Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả hơn, cần sự phối hợp chặt chẽ.
NHNN đã làm việc chặt với Bộ Công an để giám sát các hành vi trục lợi, cũng như phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ để kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng miếng và trang sức, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định.
Về câu hỏi của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) liên quan đến cách tận dụng nguồn lực từ vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN không khuyến khích người dân tích trữ vàng. Thay vào đó, người dân nên chuyển hóa vàng thành tiền để đầu tư, kinh doanh, hoặc gửi ngân hàng. Chính sách độc quyền nhập khẩu và xuất khẩu vàng miếng của Nhà nước là để quản lý thị trường chặt chẽ, giảm thiểu vàng hóa nền kinh tế.
Phùng Xuân