1. Tài chính

Vì sao nông sản ĐBSCL khó tiếp cận vay vốn tín dụng?

Ngân hàng khó kiểm soát, đánh giá rủi ro

Ngày 18/11, hội thảo Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững được tổ chức tại Cần Thơ.

Tại hội thảo, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, việc tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn như rủi ro, thiên tai, biến đổi khí hậu. Những rủi ro này làm cho các tổ chức tín dụng e ngại khi cho vay, vì ngành nông sản ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thiên nhiên.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội thảo.

Ông Trường cũng liệt kê một số tồn tại khác của ngành nông sản trong vùng, như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún khiến các ngân hàng khó kiểm soát và khó đánh giá về rủi ro tín dụng.

Việc thiếu minh bạch và quản lý tài chính cũng khiến các tổ chức tín dụng khó đánh giá khả năng trả nợ nên e ngại khi cấp vốn. Chi phí vốn cao, chưa có nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp. Các tổ chức tín dụng chưa có nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp với chu kỳ sản xuất dài hạn và đặc thù của ngành nông sản, gây hạn chế trong việc tiếp cận vốn...

Để tháo gỡ những hạn chế này, Chủ tịch TP Cần Thơ đề xuất một số giải pháp, trong đó gồm: tăng cường hợp tác giữa chính quyền địa phương, ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhằm xây dựng những gói tín dụng phù hợp, linh hoạt. Cần có các sản phẩm tín dụng đặc thù với thời hạn và lãi suất phù hợp với chu kỳ sản xuất nông sản.

Khuyến khích các ngân hàng và tổ chức tín dụng nghiên cứu, áp dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận; nâng cao năng lực định giá tài sản tín chấp và đánh giá rủi ro tín dụng trong nông nghiệp.

"Chúng ta cũng cần xây dựng các cơ chế bảo hiểm nông nghiệp và quỹ bảo lãnh tín dụng cho ngành nông nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng để giảm thiểu rủi ro cho cả người nông dân và ngân hàng, giúp các tổ chức tín dụng tự tin hơn khi cấp vốn", ông Trường nói.

Ông cũng cho rằng, cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa các sở, ngành trong việc hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tiếp cận các chương trình hỗ trợ từ Trung ương, các dự án ODA và các nguồn lực quốc tế khác.

Đồng thời tăng cường hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã và chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản. Mô hình này sẽ giúp tạo sự ổn định, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, giúp bà con nông dân và doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất thấp hơn.

Ngân hàng đề xuất mở rộng tín dụng

Đại diện Ngân hàng Agribank cho biết, đến cuối tháng 10/2024 dư nợ của khu vực ĐBSCL đạt 262 ngàn tỷ đồng, tăng 8%, chiếm trên 22% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng trong khu vực và chiếm 20,8% dư nợ nông nghiệp nông thôn của Agribank.

Các giải pháp phải thực hiện đồng bộ mới giúp ngành nông sản ĐBSCL tiếp cận nguồn vốn.

Về cơ cấu dư nợ tại khu vực ĐBSCL, Agribank tập trung cho vay đối tượng khách hàng cá nhân khi đến nay đạt gần 226 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,3% tổng dư nợ. Dư nợ ngắn hạn đạt gần 163 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,2% tổng dư nợ, phần còn lại là dư nợ trung, dài hạn (chiếm 37,8% tổng dư nợ).

Để mở rộng tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đại diện Agribank cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Đồng thời, tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, các dự án, phương án khả thi và đầy đủ pháp lý.

Tiếp theo đó, các sở, ban, ngành, hiệp hội doanh nghiệp địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với các ngân hàng trong việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt nhu cầu khách hàng, những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng được kịp thời.

Song song đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền, minh bạch tình hình tài chính; chủ động tiếp cận, đề xuất để ngân hàng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay.

Ngoài ra các khách hàng vay vốn theo chương trình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cần thực hiện hiệu quả, bền vững các cam kết khi tham gia liên kết, nâng cao ý thức tuân thủ thỏa thuận đã ký kết giữa các chủ thể tham gia liên kết. Đây là cơ sở quan trọng để ngân hàng cho vay theo dòng tiền liên kết, cho vay không cần tài sản bảo đảm.

Nguyên Việt

Tin khác