Vì sao nhiều doanh nghiệp cao su có lợi nhuận lao dốc?
Trong báo cáo tài chính Quý 3/2022 được công bố mới đây của CTCP cao su Đà Nẵng (DRC) cho thấy doanh thu thuần đạt 1.353 tỷ (tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái), được thúc đẩy chính bởi hoạt động xuất khẩu (XK) tích cực.
Doanh thu tăng nhưng lãi giảm
Doanh thu XK trong Quý 3/2022 của doanh nghiệp (DN) này đạt mức 35,4 triệu USD (tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021), cao kỷ lục trong lịch sử của công ty. Điều này được thúc đẩy phần lớn đến từ tiêu thụ lốp Radial, với sản lượng XK kỷ lục, đạt hơn 189 nghìn lốp (tăng 42%). Tuy nhiên, sản lượng XK lốp Bias tiếp tục sụt giảm, đạt mức 31 nghìn lốp (giảm 55%).
Điểm đáng chú ý là biên lợi nhuận gộp của DRC giảm từ mức 17,8% trong Quý 2/2022 xuống còn mức 16,9% trong Quý 3/2022, chủ yếu do cơ cấu doanh thu kém thuận lợi hơn (đóng góp từ lốp Bias giảm và doanh thu XK tăng), giá than đen và hóa chất tăng.
Hơn nữa, chi phí hoạt động của DRC vẫn duy trì ở mức cao. Trong quý vừa qua DRC ghi nhận gần 13 tỷ chi phí tài chính do chịu ảnh hưởng của lỗ tỷ giá, khoảng 71% nợ vay của DRC là bằng đồng USD. Tổng hợp, biên lợi nhuận trước thuế của DRC sụt giảm xuống còn 7,1% trong Quý 3/2022, từ mức cao 9,1% trong Quý 2/2022.
Còn kết quả kinh doanh Quý 3/2022 của CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cho thấy, có sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ. Theo doanh thu thuần, chủ yếu là mủ cao su, đạt gần 125 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm rồi. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại suy giảm từ 31% xuống còn 21%, khiến lợi nhuận gộp của Công ty chỉ còn gần 26 tỷ đồng, giảm 10%.
Theo TRC, nguyên nhân sự sụt giảm trên đến từ giá bán mủ cao su Quý 3/2022 thấp hơn cùng kỳ, cụ thể giảm từ 40,6 triệu đồng/tấn xuống còn 39,6 triệu đồng/tấn.
Không chỉ vậy, chi phí phát sinh trong kỳ lại có phần tăng lên khi cả chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều lần lượt tăng 91%, 46% và 10%. Trong bối cảnh nguồn thu suy giảm và chi phí tăng cao, TRC chỉ lãi ròng hơn 12 tỷ đồng trong Quý 3/2022, giảm 62% so với cùng kỳ. Với kết quả này, lãi ròng 9 tháng đầu năm 2022 của TRC bị kéo xuống còn 46 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.
Hoặc như Cao su Tân Biên (RTB) báo lãi Quý 3/2022 giảm sâu 67%. Cụ thể, RTB ghi nhận doanh thu Quý 3/2022 đạt gần 152 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán Quý 3 tăng 19,5% lên 144 tỷ đồng song lợi nhuận trước và sau thuế đều lao dốc, lần lượt giảm 66,4% và 66,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tương tự như vậy, nhiều công ty cao su thiên nhiên khác cũng ghi nhận mức lợi nhuận lao dốc trong Quý 3 vừa qua mà nguyên nhân được cho là vì chi phí đầu vào tăng cao, giá bán mủ cao su bình quân ở mức 39,6 triệu đồng/tấn, thấp hơn 1 triệu đồng/tấn (tương ứng 2,46%) so với Quý 3/2021.
Nhiều rủi ro phía trước
Không chỉ liên tục báo lãi đi lùi, có DN còn gặp lỗ. Như Cao su Đắk Lắk (DRI) trong Quý 3/2022 đã lỗ gần 6 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần đạt gần 110 tỷ đồng, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giới phân tích, trong Quý 4/2022 các DN cao su sẽ tiếp tục phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao. Trong khi đó, giá cao su giảm do thị trường thế giới biến động và sức tiêu thụ tại Trung Quốc (vốn chiếm khoảng 2/3 tổng lượng cao su XK của Việt Nam) còn chậm khiến lợi nhuận cuối năm của ngành kém khả quan.
Giá cao su trên thị trường thế giới có chiều hướng tiếp tục đi xuống từ tháng 9/2022 do lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc chậm lại. Chưa kể, giá cao su thường có sự tương quan nghịch với sức mạnh đồng USD. Diễn biến đi lên của đồng USD trong thời gian qua cũng dự báo giá cao su vẫn duy trì ở mức thấp trong thời gian tới.
Trong nhận định vào tháng 10/2022 của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán TPS cho rằng, đồng USD đã bước vào chu kỳ tăng giá như một tài sản trú ẩn trước lạm phát. Vì các loại hàng hóa cơ bản được tính bằng USD nên khi USD tăng mạnh sẽ sẽ hạ giá trị các loại hàng hóa này. Cao su cũng không ngoại lệ khi giá mủ có diễn biến đi lùi trong giai đoạn đồng USD tăng mạnh.
Mặt khác, rủi ro của ngành cao su là mưa lớn kéo dài vào vụ cao điểm ảnh hưởng đến sản lượng mủ thu hoạch. Việc hiện tượng La Nina tiếp diễn năm thứ 3 liên tiếp trong 2022 làm gia tăng tần suất và lượng mưa, qua đó tác động tiêu cực đến hoạt động thu hoạch và sản lượng mủ cao su của các DN.
Ngoài ra, rủi ro còn đến từ việc suy giảm nhu cầu cao su tại Trung Quốc do thiếu điện. Hàng loạt nhà máy tại Trung Quốc đã phải đóng cửa vì thiếu điện. Xu hướng này kéo dài có thể làm giảm nhu cầu thu mua cao su nguyên liệu do sản xuất bị gián đoạn.
Tuy nhiên, ngoài những khó khăn nêu trên, phía TPS cũng cho biết một vài tín hiệu khả quan cho XK cao su trong thời gian tới. Đó là dự kiến ngành sản xuất xe hơi Trung Quốc sẽ nối tiếp đà tăng trong giai đoạn cuối năm. Hưởng lợi nhờ chính sách kích thích tiêu thụ ô tô cùng với ngành sản xuất xe hơi phục hồi, nhu cầu cao su tăng trưởng mạnh trở lại. Khối lượng hợp đồng giao sau của cao su cũng liên tục gia tăng trong những tháng gần đây, đem đến kỳ vọng khả quan cho XK cao su tự nhiên của Việt Nam.
Đi kèm với hoạt động sản xuất lốp xe mạnh mẽ, ước tính trung bình Trung Quốc cần tiêu thụ khoảng 500 nghìn tấn cao su tự nhiên mỗi tháng và là thị trường tiêu thụ chính của ngành. Tuy vậy, nguồn cung nội địa của Trung Quốc chỉ đáp ứng được khoảng 115 nghìn tấn mỗi tháng (khoảng 23%), lượng còn thiếu được bù đắp nhờ nhập khẩu từ các nước như Thái Lan, Việt Nam và Indonesia.
Cho nên, để cải thiện lợi nhuận sau khi trải qua giai đoạn ì ạch trong Quý 3/2022 đang đòi hỏi các DN cao su cần tận dụng tốt nhu cầu từ thị trường XK chủ lực (nhất là Trung Quốc) trong Quý 4/2022, cũng như có những giải pháp hữu hiệu để hạn chế được việc tăng chi phí đầu vào khi mà giá cao su sụt giảm vẫn còn là một thách thức lớn.
Thế Vinh