Vì sao F&N Dairy Investments vẫn đăng ký mua 21 triệu cổ phiếu Vinamilk sau 8 lần không thành?
Công ty F&N Dairy Investments Pte.Ltd (Singapore) vừa đăng ký mua vào gần 20,9 triệu cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM – sàn HoSE) từ ngày 9/10 đến 7/11. Ước tính giao dịch có giá trị 209 tỷ đồng.
Nếu giao dịch trên thành công, tỷ lệ sở hữu của F&N Dairy Investments tại Vinamilk sẽ tăng từ 17,69% lên 18,69%.
Đáng chú ý, F&N Dairy Investments đã đăng ký mua vào 20,9 triệu cổ phiếu VNM từ ngày 6/9 đến 4/10 theo phương thức khớp lệnh. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết do điều kiện thị trường không thuận lợi nên chưa mua được bất kỳ cổ phiếu VNM nào.
Đây không phải lần đầu tiên F&N Dairy Investments mua vào không thành công cổ phiếu VNM. Tính từ đầu năm 2024, đây là lần thứ 8 liên tiếp mà F&N Dairy Investment đăng ký và mua không thành công cổ phiếu VNM đều với cùng lý do “điều kiện thị trường không phù hợp”.
Vấn đề trên có thể xuất phát từ việc F&N Dairy Investments đang là cổ đông lớn thứ 2 tại Vinamilk do đó tổ chức này buộc phải thông báo công khai trước khi có ý định mua, bán cổ phiếu VNM ít nhất 3 ngày làm việc và thời gian giao dịch không được quá 2 tháng kể từ ngày báo cáo với Sở Giáo dịch Chứng khoán/Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong khi đó thị trường có thể biến động, mở ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn, nên F&N Dairy Investments sẽ vẫn đăng ký “chờ” để sẵn sàng khớp lệnh ngay khi thị giá cổ phiếu VNM về mức mục tiêu.
F&N Dairy Investments Pte Ltd hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore, hoạt động chính trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, do tỷ phú Thái Lan - ông Charoen Sirivadhanabhakdi làm Chủ tịch.
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi cũng là người sáng lập ra Thai Beverage - doanh nghiệp đang chi phối gián tiếp 53,59% vốn cổ phần Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã cổ phiếu SAB).
Về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, Vinamilk ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 30.790 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.903 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,6% và 18,6% so với nửa đầu năm 2023, tương ứng hoàn thành 48,7% kế hoạch doanh thu và 52,3% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Về triển vọng kinh doanh nửa cuối năm nay, ban lãnh đạo Vinamilk kỳ vọng sự phục hồi tiêu dùng ngành sữa trong các tháng cuối năm sẽ hỗ trợ tăng trưởng thị trường nội địa. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu vẫn sẽ duy trì tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ.
Hiện hoạt động kinh doanh Vinamilk tại thị trường nội địa khá thuận lợi, đặc biệt là ảng sữa bột trẻ em khi đang trên đà hồi phục với mức tăng trưởng từ 8 - 15% theo từng dòng sản phẩm trong nửa đầu năm nay. So với mặt bằng chung toàn ngành giảm 16 - 17% vào cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng của Vinamilk vẫn được đánh giá cao.
Đối với thị trường nước ngoài Vinamilk dự kiến sẽ giành lại thị phần mảng sữa bột ở cả phân khúc bình dân và cao cấp tại thị trường nội địa thông qua việc thay đổi bao bì, thực hiện câu chuyện sản phẩm mới và công thức sữa mới.
Tại thị trường nước ngoài, Vinamilk cho rằng, hoạt động kinh doanh của công ty tại các quốc gia khác không bị ảnh hưởng bởi các xung đột địa chính trị hiện nay do thị trường xuất khẩu không nằm trong vùng chiến sự. Do đó, công ty dự kiến lợi nhuận từ thị trường nước ngoài vẫn sẽ ổn định.
Duy Quang