1. Chứng khoán

Vì sao cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan được J.P Morgan khuyến nghị tăng tỷ trọng?

Tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới J.P Morgan (Hoa Kỳ) vừa công bố báo cáo phân tích chiến lược đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Đáng chú ý, tập đoàn này đưa ra khuyến nghị “tăng tỷ trọng” đối với cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan.

Cụ thể, J.P Morgan cho rằng, các động thái thúc đẩy kinh tế của Chính phủ và chu kỳ kinh doanh sẽ là chất xúc tác thúc đẩy hoạt động kinh tế trong suốt nửa cuối năm 2024 và điều này sẽ lan tỏa đến hiệu suất của thị trường chứng khoán trong giai đoạn từ quý 4/2024 đến quý 1/2025.

J.P Morgan đánh giá Tập đoàn Masan sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng tốc của nền kinh tế Việt Nam nhờ vị thế hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ hiện đại.

J.P Morgan nhận định nền kinh tế Việt Nam có xu hướng tăng tốc trong quý 4 do chu kỳ kinh doanh (các nhà xuất khẩu tăng tốc trước kỳ nghỉ lễ), đầu tư công (chính phủ thúc đẩy giải ngân trước cuối năm) và dòng khách du lịch sôi động. Sự tích cực này có xu hướng lan sang thị trường chứng khoán với độ trễ một quý.

Tập đoàn tài chính này cho rằng chu kỳ này sẽ tiếp tục lặp lại trong năm nay vì dữ liệu kinh tế gần đây chỉ ra sự tăng tốc liên tục trong nửa cuối năm 2024. Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và mở rộng hạn ngạch tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% (tăng từ 6-6,5% vào đầu năm). Đáng chú ý, trong 4 quý vừa qua, tăng trưởng của Việt Nam đã vượt xa các nước trong khối ASEAN.

J.P Morgan cũng chỉ ra, trong 12 tháng vừa qua, đã có gần 3 tỉ USD chảy ra khỏi thị trường Việt Nam do động thái chốt lời, phân bổ lại danh mục của các các nhà đầu tư cho các công ty Công nghệ/AI và những bất định của cuộc bầu cử ở Mỹ. Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn với nhiều chất xúc tác tích cực.

Trong bối cảnh trên, J.P Morgan đánh giá: “Ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (+7% từ đầu năm) đã có mức tăng thấp hơn so với thị trường chung. Chúng tôi tin rằng động lực thuận lợi trong ngắn hạn đang ủng hộ cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng thiết yếu với: Dòng tiền tiềm năng từ nâng hạng thị trường chứng khoán; Đồng USD thấp hơn giúp giảm chi phí đầu vào; và tăng trưởng doanh thu ổn định. Chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng ngành này với cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan là một trong những lựa chọn hàng đầu của chúng tôi”.

Tập đoàn Masan được J.P Morgan đánh giá là tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam với danh mục sản phẩm tiêu dùng đa dạng và mạng lưới bán lẻ hiện đại đang liên tục được mở rộng. Đồng thời, Tập đoàn Masan đang ở vị thế dẫn đầu thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam, đặc biệt là trong phân khúc siêu thị mini.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

So sánh với Trung Quốc và Thái Lan trước năm 2010, thị trường tiêu dùng tại Việt Nam được nhận định đang ở “thời điểm vàng” của sự phát triển thương mại hiện đại và có tiềm năng định giá lớn trong tương lai. Với dân số gần 100 triệu người, trong đó một nửa dưới 32 tuổi, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người ấn tượng 7,1% CAGR từ năm 2017, lên đến hơn 4.200 USD vào năm 2023, thuộc nhóm cao nhất trong số các nước ASEAN/các thị trường mới nổi. Việt Nam hiện đặt mục tiêu nâng mức GDP bình quân đầu người lên 7.500 USD vào năm 2030 và 10.000 USD vào năm 2035.

Trong bối cảnh đó, thông qua các hoạt động M&A và mở rộng tự nhiên, Tập đoàn Masan đã và đang xây dựng hệ sinh thái công nghệ tiêu dùng theo chiến lược “Point of Life”, nhằm tối đa hóa thị phần chi tiêu của người tiêu dùng.

Sử dụng phương pháp SOTP (sum-of-the-parts), cổ phiếu MSN được J.P. Morgan định giá với mức 94.640 đồng/cổ phiếu với P/E mục tiêu cho năm 2025 là 39x và EV/EBITDA là 12x. Mức giá này cao hơn 25% so với giá đóng cửa ngày 25/9 là 75.500 đồng/cổ phiếu.

SOTP là phương pháp xác định giá trị công ty trong đó mỗi công ty con của công ty hoặc bộ phận kinh doanh của nó được định giá riêng biệt và sau đó tất cả chúng được cộng lại với nhau để tạo ra tổng giá trị của công ty.

Duy Quang

Tin khác