1. Tài chính

Vì sao chương trình hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân thấp?

Báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, sau 21 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình. Tuy nhiên, tình hình triển khai một số chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) đã hết thời gian thực hiện, một số chính sách có kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới giải ngân đạt hơn 95.700 tỷ đồng.

Thống kê sơ bộ, ước giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình đến nay đạt hơn 95,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đến ngày 24/9/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội ước giải ngân 5/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình đạt 21.019 tỷ đồng, trong đó: Cho vay mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến đạt 834 tỷ đồng cho hơn 89 nghìn khách hàng, cho vay nhà ở xã hội đạt 8.087 tỷ đồng cho hơn 21,6 nghìn khách hàng, cho vay hỗ trợ việc làm đạt 10 nghìn tỷ đồng cho hơn 211 nghìn khách hàng vay vốn tạo việc làm, cho vay cơ sở giáo mục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 151 tỷ đồng cho hơn 2,6 nghìn cơ sở giáo dục, cho vay Chương trình đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 1.946 tỷ đồng cho gần 40 nghìn khách hàng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ lãi suất cho vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đối với khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm là 2.623 tỷ đồng.

Đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đến nay đã hết thời hạn thực hiện chính sách, theo báo cáo của Bộ Tài chính đã thực hiện giải ngân khoảng 3.679,3 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đến nay giải ngân rất thấp. Quốc hội đã quyết nghị sử dụng tối đa 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết tháng 8, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới thực hiện khoảng 781 tỷ đồng, tương đương 1,95% tổng nguồn lực.

Về nguyên nhân khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân chậm, Bộ KH&ĐT đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có nguyên nhân khách hàng đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách, chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra (đặc biệt là DN), cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất (phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Đồng thời, khách hàng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất do số tiền này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông.

Cùng với đó là khó khăn trong việc xác định đối tượng khách hàng thuộc diện "có khả năng phục hồi" theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ nhưng cũng không thể khẳng định có khả năng phục hồi (thường thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng kinh doanh). Trường hợp khách hàng được hỗ trợ lãi suất nhưng tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, ảnh hưởng đến các tiêu chí nêu trên làm cho ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra đánh giá trục lợi chính sách. Ngoài ra, một số khách hàng có doanh thu/lợi nhuận trong giai đoạn dịch bệnh cao hơn hiện tại nên khó để đánh giá việc đáp ứng tiêu chí "phục hồi". Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng hỗ trợ.

Ngoài hỗ trợ lãi suất 2% thực hiện chậm, việc giải ngân chương trình chi đầu tư phát triển thấp so với kế hoạch trong khi thời gian chỉ còn 3 tháng. Ước giải ngân vốn đầu tư phát triển đến hết tháng 8/2023 mới đạt khoảng 28,4% kế hoạch (49.740 tỷ đồng). Theo Bộ KH&ĐT, tỷ lệ giải ngân đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt kỳ vọng, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn kế hoạch vốn của chương trình (147.138 tỷ đồng) đã được Thủ tướng giao chi tiết từ tháng 9/2022, và Quốc hội đã cho phép áp dụng các chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Thời gian còn lại để thực hiện Chương trình chỉ còn 3 tháng, Bộ KH&ĐT yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách.

Lưu Hiệp

Tin khác