Vàng sắp đón tuần giao dịch khó khăn
Thị trường vàng tuần qua chịu sự chi phối của kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, tốc độ bán tháo mạnh khiến giá vàng sụt giảm quá nhanh, khiến giới đầu tư băn khoăn về hướng đi của kim loại quý trong tuần tới.
Những cơn sóng ngược
Giá vàng giao ngay bắt đầu tuần giao dịch vừa qua ở mức 2.739 USD/ounce và dành phần lớn thời gian đầu tuần dao động trong phạm vi hẹp 2.726-2.748 USD/ounce.
Đây là một trong những đợt biến động hẹp hiếm hoi của vàng thời gian gần đây, chứng tỏ các nhà giao dịch không muốn thực hiện động thái nào cho đến khi có kết quả bầu cử.
Tới thứ Năm (7/11), các tiểu bang quan trọng của Mỹ sau khi kiểm phiếu đã cho ra kết quả ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, khiến cho nỗ lực tranh cử của Phó tổng thống Kamala Harris trở nên gần như không thể.
Giá vàng thế giới giao ngay đã lập tức phản ứng bằng cú giảm mạnh từ 2.739 USD/ounce xuống còn 2.700 USD/ounce.
Sau một đợt phục hồi tương đối ngắn lên 2.730 USD/ounce, kim loại quý đã phá vỡ ngưỡng kháng cự để rớt mạnh xuống vùng 2.659 USD/ounce. Cũng trong phiên giao dịch này, có thời điểm vàng cố gắng phục hồi lên mức 2.676 USD/ounce nhưng lại suy yếu rồi chạm mức thấp nhất tuần 2.648 USD/ounce.
Từ mức giá này, vàng bắt đầu tăng đều đặn trong thứ Sáu (8/11) khi đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hạ nhiệt. Kim loại quý kiểm tra mức kháng cự 2.700 USD/ounce hai lần trước khi trượt giá trở lại mức 2.690 USD/ounce sau thông tin cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nhưng biến động vẫn chưa kết thúc, cuộc trao đổi căng thẳng của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các phóng viên trong cuộc họp báo sau đó đã kích thích giá vàng tăng vọt lên mức 2.707 USD/ounce trong vài phút.
Và sau hai lần cố gắng vượt qua mức 2.710 USD/ounce không thành công, giá vàng đã trượt xuống mức 2.684 USD/ounce, đóng cửa tuần giao dịch tại vùng giá này.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố tiếp tục dừng bổ sung vàng tháng thứ 6 liên tiếp. Lượng vàng dự trữ của Trung Quốc đạt 72,8 triệu ounce vàng vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, giá trị của lượng vàng dự trữ này đã tăng lên nhờ giá vàng thế giới được đẩy lên liên tục.
Tính đến ngày 30/10, giá trị dự trữ vàng của quốc gia tỷ dân này đạt 199 tỷ USD, cao hơn mức 191 tỷ USD cuối tháng 9. Giá tăng đã đẩy tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ của PBoC lên 5,7% vào cuối tháng 10, cao hơn mức 4,9% hồi cuối tháng 4.
Kể từ đầu năm nay, giá vàng thỏi đã tăng khoảng 33% và đang trên đà ghi nhận mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1979 trong bối cảnh vô số yếu tố hỗ trợ như việc bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed, căng thẳng địa chính trị, sự bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và nhu cầu dự trữ vàng mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương.
Theo các chuyên gia phân tích của Capital Economics, việc PBoC quay trở lại mua vàng chỉ là vấn đề thời gian bởi "cơn sốt vàng của Trung Quốc vẫn còn tiếp diễn" trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng, bất ổn kinh tế và xu hướng phi đô la hóa.
Tâm lý bi quan bao trùm thị trường
Trong cuộc khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News, các chuyên gia Phố Wall đang tỏ rõ tâm lý bi quan. Nhóm các nhà giao dịch nhỏ lẻ cũng giảm sự lạc quan xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua.
Cụ thể, 14 chuyên gia tại Phố Wall tham gia vào cuộc khảo sát nhưng chỉ có 3 chuyên gia (chiếm 21%) dự báo giá kim loại quý sẽ tăng, trong khi 9 chuyên gia (chiếm 64%) cho rằng giá sẽ giảm; 2 chuyên gia còn lại (chiếm 14%) dự báo giá vàng sẽ có giai đoạn củng cố bằng cách đi ngang trong tuần tới.
Trong khi đó, 249 phiếu bầu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã được bỏ trong cuộc thăm dò trực tuyến. Lần đầu tiên sau nhiều tháng qua, kỳ vọng vào đà tăng của vàng đã không còn quá lớn.
Có 114 người (chiếm 46%) mong đợi giá vàng tăng vào tuần tới, 91 người (chiếm 36%) cho rằng giá sẽ giảm và 44 người còn lại (chiếm 18%) tin vàng sẽ không có biến động về giá.
Lịch thông tin kinh tế tuần tới khá ảm đạm, đặc biệt là khi so sánh với sự bùng nổ của tuần này. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi tháng 10 của Mỹ dự kiến được công bố vào thứ Tư (13/11). Fed sẽ theo dõi chặt chẽ thông số này để tìm dấu hiệu cho thấy lạm phát tiêu dùng đang tiếp tục trên con đường hướng tới mục tiêu 2%.
Cùng với đó, thị trường sẽ đón nhận báo cáo về chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ vào thứ Năm (14/11); dữ liệu về yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 10 vào sáng thứ Sáu (15/11). Những thông tin này sẽ phản ánh sức mua của người Mỹ trong môi trường chi phí cao hiện tại.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng sẽ có bài phát biểu vào thứ Năm. Đây sẽ là cơ hội đầu tiên để ông nêu rõ các bình luận về chính quyền mới và tính độc lập của Fed trước bối cảnh hiện nay.
Hồng Nhung