1. Tài chính

Vàng nổi sóng, giới đầu cơ thờ ơ

Vàng tăng 2,15% trong tháng, lên sát 69 triệu đồng/lượng
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng cuối tuần 17/9 tiếp đà tăng 250.000 đồng lượng, được mua vào 68,25 triệu đồng và bán ra 68,95 triệu đồng một lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào ở ngưỡng 68,1 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 68,9 triệu đồng/lượng.

Ảnh minh họa

Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 8, giá vàng trong nước không thay đổi đáng kể dù thế giới biến động, thậm chí có lúc vượt 2.000 USD một ounce. Tuy nhiên, giá vàng trong nước gần đây có sự điều chỉnh mạnh hơn. Tính đến ngày 17/9, giá vàng SJC đã tăng gần 2,15% chỉ trong một tháng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới đã tăng 0,3% trong tuần, đạt 1.945,6 USD một ounce. Đồng USD giảm 0,2% giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Giá vàng tăng trong bối cảnh nhà đầu tư chờ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào thứ Tư tuần tới. Giá vàng thế giới tăng nhờ đồng USD giảm giá và kỳ vọng về việc Fed đã hoặc sắp có thể dừng tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa tăng thêm lãi suất 0,25 điểm % để nâng lãi cơ bản lên 4%. Chủ tịch ECB Christine Lagarde lưu ý rất có thể lần tăng lãi suất này là kết thúc chu kỳ tăng lãi suất của ECB.
Thông tin này khiến giới đầu tư tài chính kỳ vọng thị trường tiền tệ quốc tế giảm mức độ biến động, tác động tích cực đến giá vàng của thế giới.
Các chuyên gia từ JPMorgan cho rằng, vàng vẫn được hỗ trợ vững chắc trong dài hạn nhờ nhu cầu mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương. Một báo cáo nghiên cứu từ Greg Shearer, Giám đốc điều hành về nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ đạt mức cao mới vào nửa cuối năm 2024.
Shearer kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào quý II/2024 và lãi suất thực tế của Mỹ giảm sẽ là “động lực quan trọng” đối với vàng. Theo Shearer, giá vàng trung bình sẽ đạt khoảng 2.175 USD/ounce vào quý IV/2024. Vàng sẽ còn tăng cao hơn nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Người Việt giảm mua vàng
Ghi nhận trên thị trường giao dịch ảm đạm. Trước đó, giá vàng chỉ dao động quanh ngưỡng 68-69 triệu đồng/lượng suốt một tháng qua. Đến nay, dù giá vàng tăng nhưng chênh lệch mua vào - bán ra quá cao, nhà đầu tư trong nước vẫn thua lỗ nếu đầu tư ngắn hạn. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC đang là 700.000 đồng/lượng.
Các đơn vị kinh doanh vàng cho biết thường để chênh lệch giá mua - bán cao vì sợ lỗ những khi giá biến động mạnh, công ty vừa mua vào mà chưa bán ra được thì run.
"Đầu tư vàng giờ gần như không có lời, nên là tâm lý của mình giờ cũng chả còn mặn mà mấy với vàng nữa", một tài khoản bình luận.
So với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước đang cao hơn khoảng 12,3 triệu đồng/lượng, đây là một điểm rất rủi ro. Khách hàng hiện nay chủ yếu canh giá tốt để bán, chứ không còn mặn mà mua, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhận định.
“Tôi đồng ý là không nên đầu cơ vàng. Sự tồn tại, giao dịch vàng miếng không góp phần vào tăng trưởng kinh tế, ngược lại có thể dẫn đến ứ đọng vốn trong dân", một tài khoản nói.
Sau nhiều giải pháp đồng bộ được NHNN đưa ra áp dụng để kiểm soát thị trường vàng, đến nay tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế đã chấm dứt. Người dân cũng hầu như không còn tình trạng "quy ra vàng" khi giao dịch mua bán nhà đất hoặc các loại tài sản có giá trị lớn.
Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng vàng thế giới cho biết, nhu cầu của người tiêu dùng vàng tại Việt Nam trong quý II/2023 chỉ đạt 12,7 tấn, giảm 9% so với quý trước đó.

Trâm Anh

Tin khác