Vàng miếng SJC giảm thêm 400.000 đồng/lượng sau tuần rơi sâu
Giá vàng đồng loạt đi lùi
Mở cửa tuần mới, xu hướng giảm của giá vàng trong nước tiếp tục được nối dài. Giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã có 2 lần điều chỉnh trong sáng nay. Hiện SJC mua vào ở mức 81,9 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng và bán ra tại mức 85,4 triệu đồng/lượng giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Chênh lệch mua bán nhờ đó thu hẹp đáng kể còn 3,5 triệu đồng mỗi lượng.
Đa số các hãng vàng đều đang niêm yết giá vàng miếng SJC cùng mức giá trên. Cá biệt, Mi Hồng đang chấp nhận thu mua vàng miếng giá cao hơn (82,8 triệu đồng/lượng); Phú Quý và Bảo Tín Minh Châu yết giá mua 82,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tại nhiều hãng kinh doanh vàng cũng giảm 300.000 - 400.000 đồng mỗi lượng. Đến cuối giờ sáng nay, giá vàng nhẫn bán ra tại hầu hết các nơi đều đã tuột khỏi mốc 85 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng.
Nhịp rơi của vàng trong nước được duy trì chủ yếu do sự đi xuống của vàng thế giới. Dù có thời điểm trở lại mốc 2.700 USD/ounce hôm thứ Sáu, giá vàng giao ngay đến cuối sáng thứ 2 đã lùi về 2.670 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2024 trên sàn Comex New York cũng giảm tới gần 16 USD/ounce so với cuối tuần trước, giao dịch ở mức 2.679 USD/ounce.
Giá kim loại quý điều chỉnh khá sâu trong bối cảnh chỉ số US Dollar Index (DXY) vẫn ổn định ở mức cao (105 điểm). Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản như dự kiến, nhưng cũng có những tín hiệu về cách tiếp cận thận trọng hơn đối với các đợt cắt giảm trong tương lai. Điều này có thể phù hợp với các chính sách có thể làm gia tăng thâm hụt và thúc đẩy lạm phát của ông Trump - Tổng thống Mỹ vừa đắc cử. Các nhà giao dịch cũng đang chờ đợi những bình luận mới nhất từ các quan chức Fed, nhất là bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell dự kiến vào thứ Năm tuần này.
Trong khi đó, dữ liệu từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu, cho thấy chuỗi dừng mua vàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã kéo dài sang tháng thứ sáu liên tiếp. Động thái mua vàng của PBoC là một trong những tác nhân chính góp phần vào sự gia tăng của vàng trong 4 tháng đầu năm, nhưng chuỗi này đã dừng lại từ tháng 5/2024 đến nay.
Giao dịch vàng và chuyện lập sàn vàng làm “nóng” nghị trường
Cũng ngay đầu tuần này, vàng là nội dung được quan tâm hàng đầu trong phiên chất vấn sáng 11/11. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, dù mục tiêu kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã phần nào đạt được, trường vàng còn diễn biến phức tạp, Việt Nam lại là nước không sản xuất vàng, nguồn cung hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường vàng thời gian tới để có giải pháp can thiệp.
Cũng theo Thống đốc, việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho big 4 và Công ty SJC là bởi đây là giải pháp để tăng cung vàng ra thị trường. Còn các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng khác trên thị trường (22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp vàng) vẫn mua vàng bình thường.
Việc 4 ngân hàng quốc doanh chỉ bán vàng tại Hà Nội và TP.HCM mà không bán ở các tỉnh là do các ngân hàng thương mại nhà nước căn cứ vào nhu cầu thị trường mà tự quyết định điểm bán, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp. Tuy vậy, theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu mua vàng của người dân chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, cầu vàng ở các tỉnh rất thấp.
Về giải pháp thành lập sàn vàng như ở Trung Quốc, Thống đốc thừa nhận, sàn vàng có ưu điểm là minh bạch, giúp người dân đáp ứng được nhu cầu giao dịch. Tuy vậy, không nhiều nước trong khu vực thành lập sàn vàng. Thị trường Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung vàng nhập khẩu nên việc thành lập sàn vàng ở Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Thanh Thủy