1. Tài chính

Vàng miếng SJC, 9999 tăng sốc phiên cuối tuần

Cùng chiều với thị trường vàng thế giới nhưng trong khi kim loại quý mới chỉ thoát đáy 7 tháng thì các loại vàng trong nước lại leo lên mức cao nhất trong một năm trở lại đây.

Thị trường vàng nóng phiên cuối tuần

Cụ thể, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào ở mức 68,5 triệu đồng và bán ra 69,3 triệu đồng, tăng 200.000 đồng ở chiều mua và tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều bán so với hôm qua.

Tương tự, vàng nhẫn 9999 tại SJC mua vào 55,6 triệu đồng và bán ra 56,4 triệu đồng, cộng 300.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua.

Trong khi đó, công ty Mi Hồng tăng thêm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều đối với vàng nhẫn 24K, đưa giá mua – bán lên 55,9 – 56,4 triệu đồng/lượng. Đây là biên độ tăng mạnh nhất tính theo phiên trong nhiều tháng qua và cũng là mức giá cao nhất của vàng nhẫn 9999 trong một năm qua.

Đà tăng của giá vàng trong nước được hỗ trợ bởi sự phục hồi đầy bất ngờ của giá vàng thế giới. Chốt phiên cuối tuần, giá kim loại quý quốc tế đạt 1.835 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá, vàng thế giới tương đương 54 triệu đồng, thấp hơn vàng miếng SJC 15,3 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và thế giới lên trên 15 triệu đồng/lượng

Trước đó, thị trường vàng thế giới đã trải qua 9 phiên lao dốc liên tiếp, đây là chuỗi ngày giảm dài nhất trong 7 năm và đưa giá giao dịch của vàng rơi xuống mức thấp nhất trong 7 tháng gần đây.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ tăng cao chính là rào cản nhấn chìm sức hấp dẫn của vàng. Đợt bán tháo trong tuần qua đối với kim loại quý diễn ra khi lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm đã tăng lên 5%/năm - lần đầu tiên từ năm 2007 và lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng đạt đỉnh mới trong 16 năm, ở mức 4,8%/năm.

Thế nhưng, ngay khi thị trường đón nhận dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 336.000 việc làm mới trong tháng 9, tăng gần gấp đôi so với dự báo trước đó, thì vàng lập tức quay xe.

Theo đó, kim loại quý đã kết thúc phiên giao dịch cuối tuần tăng 21 USD/ounce so với giá thấp nhất trong phiên, từ 1.814 USD/ounce lên 1.835 USD/ounce và chấm dứt chuỗi 9 phiên “đổ đèo”.

Mặc dù vàng đã chấm dứt chuỗi giảm giá hàng ngày dài nhất trong gần một thập kỷ, song Michael Moor, người sáng lập Moor Analytics cho rằng: Thị trường vàng vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm giá. Việc giá vàng tăng trong phiên cuối tuần này nhiều khả năng chỉ diễn ra ngắn hạn sau đó sẽ quay đầu giảm.

Nếu vùng đáy 1.796 USD/ounce không bị xuyên thủng thì đây sẽ là chỉ dấu để kim loại quý bước vào một chu kỳ tăng giá dài hạn mới.

Các ngân hàng trung ương tích cực gom vàng

Báo cáo về hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa công bố ghi nhận số lượng vàng tích trữ của các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục nóng.

Cụ thể, tháng 8 vừa qua, các ngân hàng trung ương bổ sung thêm 77 tấn vàng vào dự trữ ngoại hối toàn cầu, tăng 38% so với tháng 7 và là tháng mua ròng thứ ba liên tiếp.

Như vậy, tính chung ba tháng gần đây, các ngân hàng trung ương đã mua thêm 219 tấn vàng. Dù động thái mua vàng của các tổ chức vẫn diễn ra tích cực, nhưng chỉ có một số ngân hàng gom vàng với số lượng lớn.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thị trường sau khi bổ sung thêm 29 tấn vàng vào tháng 8.

WGC cho biết, kể từ khi Trung Quốc công khai số lượng vàng mà quốc gia này mua kể từ tháng 11 năm ngoái, đến nay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tăng dự trữ ngoại hối bằng vàng thêm 217 tấn, nâng tổng số lượng vàng lên 2.165 tấn. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ chiếm hơn 4% tổng dự trữ ngoại hối của nước này.

Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) đã mua thêm 18 tấn, nâng lượng mua ròng so với đầu năm lên 88 tấn và tiến gần hơn một bước đến mục tiêu mua 100 tấn đã công bố vào năm 2021. WGC cho rằng dự trữ vàng của Ba Lan hiện lên tới 314 tấn (chiếm 11% tổng dự trữ ngoại hối).

Tương tự, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã bổ sung thêm 15 tấn vào kho dự trữ ngoại hối của mình trong tháng 8 khi tiếp tục bù đắp nguồn dự trữ bằng vàng sau đợt bán tháo đáng kể cách đây 4-5 tháng.

Ngoài ra, tháng 8 cũng ghi nhận một loạt ngân hàng trung ương bổ sung dự trữ vàng như Ngân hàng Trung ương Uzbekistan (9 tấn), Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (2 tấn), Ngân hàng Quốc gia Séc (2 tấn), Singapore (2 tấn) và Ngân hàng Quốc gia Cộng hòa Kyrgyzstan (1 tấn).

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết dự trữ vàng của họ tăng thêm 3 tấn trong tháng 8, đưa tổng trữ lượng vàng của nước này ngang bằng mức bắt đầu năm nay là 2.333 tấn.

Với những số liệu kể trên cũng đủ để thấy xu hướng mua ròng vàng của ngân hàng trung ương vẫn sẽ duy trì.

Điều này giữ vai trò hỗ trợ tích cực đối với giá vàng trong bối cảnh kim loại quý phải chịu áp lực giảm mạnh khi giá đồng USD liên tục tăng và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang đạt đỉnh.

THÙY LINH

Tin khác