1. Tài chính

'Vàng có thể do ông cha để lại, dự trữ nên chỉ xử lý khi chứng minh vàng lậu'

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết điều này giải trình một số vấn đề liên quan được đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chiều nay 11/11.

Liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa thời gian qua, ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đây là động lực phát triển của nền kinh tế, tuy nhiên khi nền kinh tế tăng hay giảm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tín dụng, ngân hàng và ngân sách nhà nước.

“Việc điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa rất hợp lý” – ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh. Điều đó thể hiện chính sách tiền tệ chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; còn tài khóa mở rộng, hợp lý nên kết quả đạt được thời gian qua là tốt.

Ông dẫn ví dụ, 4 năm ngân sách vượt thu 1 triệu tỷ đồng và năm sau luôn vượt cao hơn năm trước, cùng với đó chính sách giảm thuế cho DN và người dân gần 800.000 tỷ đồng, cho thấy chính sách tài khóa hiệu quả. Chính sách tiền tệ giữ được tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và VNĐ, giải quyết được 2 ngân hàng 0 đồng và tiếp tục xử lý 2 ngân hàng 0 đồng khác, giữ ổn định hệ thống phục vụ cho nền kinh tế.

Năm 2024, GDP ước đạt gần 7%, CPI dưới 3,88%, nợ công 37%. Thu ngân sách đến ngày hôm nay đạt 99,4% so với dự toán Quốc hội giao, 17,78% so cùng kỳ năm trước và dự kiến vượt thu so với năm ngoái tối thiểu 300.000 tỷ đồng để bổ sung đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Về quản lý hóa đơn vàng và thị trường vàng, Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế phát hành 5 văn bản hướng dẫn kê khai và nộp thuế, vì vậy việc quản lý hóa đơn của các DN bán vàng không có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc.

Vừa qua một số đoàn quản lý thị trường kiểm tra và có tạm đình chỉ khi không chứng minh được nguồn nguyên liệu. “Nguồn nguyên liệu vàng thì nhiều, có thể do cha ông để lại, dự trữ từ trước mà không kiểm đếm… nhưng chúng ta chỉ xử lý khi phát hiện vàng đó là lậu, nếu không chứng minh được vàng lậu thì không có quyền xử lý cửa hàng vàng”, ông Hồ Đức Phớc khẳng định.

Về xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng được thực hiện theo Nghị định 24 năm 2012, song thực tiễn quản lý có sự thay đổi nên Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo sửa nghị định này. NHNN Việt Nam đang triển khai sửa nghị định và hướng thuế ưu đãi để trong nước phát triển, tạo điều kiện nhập nguyên liệu sản xuất, khi bán ra thì tạo điều kiện vàng trang sức có thể xuất khẩu được.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thông tin, vàng miếng vừa qua như SJC tăng 18 triệu/lượng, tức cao hơn 25% so với giá vàng thế giới, song hiện chỉ còn cao hơn 4-5%. Giá vàng tăng cao có nhiều nguyên nhân như giá vàng thế giới cao, cung nhỏ hơn cầu và tâm lý cũng là phần rất quan trọng.

“Như lãi suất thấp thì người dân không muốn gửi; bất động sản đóng băng, giá cao và sản xuất kinh doanh có khó khăn thì không muốn đưa tiền vào; trái phiếu DN riêng lẻ có những rủi ro…Lúc này, vàng có thể là nơi trú ẩn của tiền nhàn rổi” – ông Hồ Đức Phớc phân tích.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết đang chỉ đạo thực hiện mua bán đúng pháp luật và minh bạch; áp dụng CNTT quản lý công ty, cửa hàng vàng. Bên cạnh đó chống buôn lậu mạnh mẽ, như 2 đường dây buôn lậu hơn 6 tấn vàng; hay tháng 11 vừa qua phát hiện nhiều vụ vận chuyển từ 3-7kg vàng ở cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Ngoài ra thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường vốn phát triển.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nhu cầu nguồn tín dụng đầu tư vào nền kinh tế sắp tới là rất lớn, như cho hạ tầng giao thông, tăng gấp 5 lần so với mấy năm trước, riêng đường sắt tốc độ cao khoảng 67 tỷ USD, chương trình chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng; thúc đẩy thị trường bát động sản..

“Chắc chắn nền kinh tế sẽ có quy mô vài nghìn tỷ USD, tăng gấp 3 -4 lần trong thời gian không xa chứ không phải chỉ trong gần 500 tỷ đô như năm nay” – Ông Hồ Đức Phớc nói.

Ngọc Thành/VOV.VN

Tin khác