Vàng có còn là 'hầm trú ẩn' an toàn?
Ngày 16/4 có thể được xem là một trong những phiên giao dịch khó tin nhất của thị trường vàng Việt Nam khi giá kim loại quý liên tục bứt phá, xô đổ mọi kỷ lục trong quá khứ.
Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, giá vàng miếng SJC được điều chỉnh tăng tới 5 lần – với mỗi lần nhảy vọt lên tới vài triệu đồng/lượng, khiến giới đầu tư và người dân theo dõi thị trường không khỏi “hoa mắt chóng mặt”.
Mở cửa phiên sáng 16/4, giá vàng miếng SJC đã nhanh chóng vượt mốc 109,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra – mức cao nhất từng ghi nhận trước đó. Không lâu sau, giá tiếp tục tăng mạnh lên 110,5 triệu đồng/lượng.
Tưởng chừng như đó đã là đỉnh trong ngày, nhưng đến 14h chiều, giá vàng tiếp tục bứt phá lên 113,9 triệu đồng/lượng. Chưa dừng lại, chỉ trong 2 giờ tiếp theo, giá SJC liên tục được điều chỉnh tăng, chạm mốc 114,5 triệu đồng/lượng, rồi lập kỷ lục mới 115,5 triệu đồng/lượng vào cuối buổi chiều – mức giá cao nhất trong lịch sử thị trường vàng Việt Nam.
Không chỉ vàng miếng SJC, vàng nhẫn cũng ghi nhận biến động phi mã. Từ mức 108,8 triệu đồng/lượng đầu ngày, giá vàng nhẫn tăng dần đều qua các mốc 110,5 triệu – 113,2 triệu – và khép phiên ở mức 114,8 triệu đồng/lượng, tăng tới 6 triệu đồng chỉ trong một ngày.
Tính riêng trong ngày 16/4, giá vàng miếng SJC tăng 5,7 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn tăng tới 6 triệu đồng/lượng. So với thời điểm đầu năm, mức tăng của vàng SJC đã lên tới 31,3 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn tăng 30,6 triệu đồng/lượng – mức tăng chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.
LÝ GIẢI ĐẰNG SAU ĐÀ TĂNG “CHÓNG MẶT”
Giới phân tích nhận định, mức tăng giá điên loạn trong ngày 16/4 chủ yếu xuất phát từ diễn biến trên thị trường vàng thế giới. Trong phiên này, giá vàng quốc tế chính thức chạm mốc 3.303,9 USD/ounce, tăng 74,5 USD, thậm chí có thời điểm vượt ngưỡng 3.306 USD/ounce.
Vốn có mối liên hệ chặt chẽ với diễn biến thế giới, giá vàng miếng SJC gần như ngay lập tức “phản ánh” đà tăng này lên thị trường trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố quốc tế, không ít ý kiến cũng đặt nghi vấn về khả năng “làm giá” từ phía các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trong bối cảnh nhu cầu mua vàng đang tăng mạnh nhưng nguồn cung – đặc biệt là vàng miếng SJC và vàng nhẫn – lại khan hiếm, nhiều nhà vàng có thể đã chủ động đẩy giá lên cao.
Thực tế cho thấy, tại nhiều cửa hàng, người dân xếp hàng chờ mua vàng nhưng không thể giao dịch do “cháy hàng”. Chính sự mất cân đối cung – cầu này càng đẩy giá lên cao hơn nữa, tạo ra các đỉnh giá mới chỉ trong một ngày.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, giá vàng thế giới tăng mạnh thời gian qua chủ yếu do tâm lý lo ngại rủi ro trước các chính sách thuế quan.
Viễn cảnh khiến thị trường toàn cầu thêm bất ổn, từ đó thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn, trong đó vàng là lựa chọn hàng đầu. Dù trong ngắn hạn giá vàng có thể điều chỉnh do áp lực chốt lời, xu hướng tăng vẫn được duy trì, đặc biệt khi đồng USD đang có dấu hiệu suy yếu - một yếu tố tiếp tục hỗ trợ giá vàng đi lên.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC tăng mạnh được lý giải bởi yếu tố chính là giá vàng nhẫn tăng cao và nguồn cung vàng miếng khan hiếm, buộc các đơn vị kinh doanh phải điều chỉnh tăng giá thu mua để hút hàng.
Tuy nhiên, theo ông Huân, giá vàng SJC hiện mang tính danh nghĩa cao do tính thanh khoản không thực sự tốt. Trong khi đó, giá vàng nhẫn vốn bám sát diễn biến thị trường quốc tế cũng đang tăng mạnh trở lại.
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh không chỉ do tác động từ giá vàng thế giới, mà còn bởi một số yếu tố đặc thù. Theo ông Huân, về nguyên tắc, giá vàng miếng thường không được thấp hơn giá vàng nhẫn. Vàng nhẫn vốn đang tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ cho biết đã hết vàng nhẫn để bán, hoặc chỉ bán với số lượng giới hạn. Trong khi đó, những người từng bán ra khi giá trong nước chưa tăng kịp nay không còn hàng để bán. Lực cung cạn kiệt trong khi lực cầu vẫn duy trì cao, khiến giá bị đẩy lên mạnh mẽ, ông Huân phân tích.
Không chỉ chuyên gia trong nước mà chuyên gia quốc tế cũng cho rằng giá vàng tăng mạnh trong thời gian qua chủ yếu do bối cảnh tâm lý ngại rủi ro bao trùm thị trường toàn cầu.
Trả lời Reuters, chuyên gia Tim Waterer từ KCM Trade nhận định sự kết hợp giữa đồng USD suy yếu và lo ngại địa chính trị leo thang đang tạo động lực vững chắc cho giá vàng.
Chỉ số USD Index (thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh trong rổ tiền tệ) đã giảm 0,5%, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục nóng lên, đẩy giới đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
“Giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng chừng nào bất ổn vẫn còn hiện hữu”, Giám đốc điều hành hãng giao dịch vàng GoldSilver Central (Singapore) Brian Lan nhận định.
Tính từ đầu năm, giá vàng thế giới đã tăng hơn 25%, thiết lập nhiều mốc cao kỷ lục. Ngân hàng ANZ mới đây cũng nâng dự báo giá vàng lên 3.500 USD/ounce trong 6 tháng tới và 3.600 USD/ounce vào cuối năm, cho rằng làn sóng mua vàng trú ẩn vẫn còn dư địa để tăng mạnh.
Thậm chí các nhà phân tích tại Goldman Sachs kỳ vọng giá vàng cuối năm nay lên 3.700 USD/ounce. Giữa năm tới, giá có thể lên 4.000 USD/ounce.
Nhu cầu của các ngân hàng trung ương mạnh hơn dự báo và khả năng trú ẩn của vàng trước nguy cơ suy thoái và rủi ro địa chính trị sẽ tiếp tục kéo giá lên cao năm nay.
THỊ TRƯỜNG VÀNG “SÔI SỤC”, NGƯỜI DÂN NÊN DÈ CHỪNG
Trước đà tăng “chóng mặt” và mức sinh lời vô cùng hấp dẫn của giá vàng từ đầu năm tới nay, rất nhiều nhà đầu tư bày tỏ trăn trở có nên xuống tiền mua vàng thời điểm này hay không?
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa tài chính ngân hàng Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, thị trường vàng không bao giờ đi theo đường thẳng. Giá có thể tăng rất mạnh trong ngắn hạn, nhưng cũng dễ dàng điều chỉnh do đó, chuyên gia này khuyến nghị người dân cần bình tĩnh, quan sát kỹ diễn biến thị trường và không chạy theo tâm lý đám đông.
“Người dân không nên vay tiền, cầm cố tài sản để mua vàng lúc thị trường đang sốt, đây là bài học đắt giá mà nhiều người từng trải qua trong quá khứ. Hơn nữa, không “lướt sóng vàng” nếu không có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu, vì thị trường có thể đảo chiều rất nhanh. Đặc biệt là không “tất tay” vào vàng, hãy phân bổ tài sản hợp lý, có dự phòng cho các phương án khác”, chuyên gia này lưu ý.
Một quan điểm khác, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital nhận định, giá vàng biến động chịu ảnh hưởng từ rất nhiều biến số của thị trường. Khi nói về vàng, có thể chia thành hai nhóm người quan tâm: một là những nhà giao dịch (trading) vàng – họ theo dõi sát sao từng phút từng giây để đưa ra quyết định mua bán; hai là những nhà đầu tư dài hạn.
“Chúng ta nên phân bổ vàng trong danh mục đầu tư với tầm nhìn dài hạn bởi những rủi ro đối với thương mại và kinh tế toàn cầu vẫn còn hiện hữu. Trong bối cảnh đó, xu hướng trú ẩn vào các tài sản an toàn như vàng vẫn rất rõ ràng. Điều này không chỉ thể hiện ở giới đầu tư cá nhân mà còn được phản ánh qua hành động tích trữ vàng của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới”, ông Tuấn khuyến nghị.
Việc phân bổ tỷ trọng vàng trong danh mục cần dựa trên hồ sơ rủi ro của từng nhà đầu tư và nên duy trì một tỷ trọng nhất định với vàng. Khi giá vàng tăng, những nhà đầu tư dài hạn sẽ không bị rơi vào trạng thái FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) vì họ đã có vàng trong danh mục rồi. Hơn nữa, nếu vàng tăng quá mạnh và vượt khỏi tỷ trọng mong muốn, nhà đầu tư hoàn toàn có thể điều chỉnh danh mục, chuyển bớt sang các tài sản khác.
Trước sự biến động khó lường của giá vàng trong nước và quốc tế, về phía Công ty Bảo Tín Minh Châu, doanh nghiệp này cũng khuyến nghị nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.
Nguyễn Lan