1. Chứng khoán

Vắng bóng thương vụ IPO: Điều kiện niêm yết quá nghiêm ngặt?

Thiếu thương vụ lớn, nhà đầu tư ngoại kém mặn mà

Tại Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam" do Bộ Tài chính tổ chức cuối tuần qua tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital Don Lam đặt vấn đề, trong 5 năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam không có thương vụ IPO quy mô lớn. Cụ thể từ năm 2019 đến nay, quy mô các thương vụ IPO chỉ dao động từ 15 - 70 triệu USD/năm, trong khi trước đó tổng giá trị IPO hàng năm đạt từ 500 triệu - 2,6 tỷ USD. “Không có các thương vụ IPO lớn kể từ năm 2019 thường được các nhà đầu tư nước ngoài viện dẫn cho lý do ít quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Tổng Giám đốc VinaCapital ước tính tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5% tổng số tài khoản trên thị trường chứng khoán. Đáng lưu ý là sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường không chỉ hạn chế mà còn đang giảm dần.

Ảnh nguồn: ITN

Thống kê của FiinGroup cũng cho thấy tỷ trọng giao dịch bởi các nhà đầu tư quốc tế trên thị trường Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây, từ đỉnh điểm năm 2018 chiếm 30% xuống chỉ còn 14,8% vào năm 2022. Đây là tỷ trọng nhỏ so với các thị trường khác trong khối ASEAN-5, khi mà các nhà đầu tư quốc tế thực hiện trên 40% tổng giao dịch.

Theo các chuyên gia, việc khan hiếm nguồn cung mới có chất lượng cao thông qua IPO, khiến thị trường kém hấp dẫn với các “tay to” trong giới đầu tư quốc tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến VN-Index gần như “giậm chân tại chỗ” sau gần hai thập niên.

Trước đó, tại Tọa đàm “Tạo đòn bẩy thị trường vốn để các công ty công nghệ Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số” do Báo Nhân dân phối hợp tổ chức, Tổng giám đốc SSI Asset Management (SSIAM) Nguyễn Ngọc Anh cũng chỉ ra thực trạng thị trường chứng khoán trong 10 năm qua không có IPO công nghệ quy mô lớn. Ngay trong các năm 2017, 2018, 2019 là thời điểm đỉnh cao của IPO tại Việt Nam, chúng ta cũng không thấy doanh nghiệp công nghệ. Từ năm 2020 đến nay là thời gian yên ắng của thị trường IPO, trong xu thế chung đó thì các doanh nghiệp công nghệ cũng không xuất hiện trên bản đồ IPO.

Tuy nhiên trong cùng giai đoạn này, thị trường IPO tại các nước láng giềng lại chứng kiến các thương vụ lớn trong lĩnh vực công nghệ. Điển hình là việc GoTo Group (hợp nhất giữa Gojek và Tokopedia) IPO thành công trên Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) với mức định giá hơn 28 tỷ USD; Bukalapak - một startup thương mại điện tử Indonesia, IPO với mức huy động hơn 1,5 tỷ USD, trở thành IPO công nghệ lớn nhất Indonesia…

Lãnh đạo SSIAM nhấn mạnh, qua trao đổi với các nhà đầu tư quốc tế, họ cho biết sẵn sàng “xuống tiền” cho các công ty công nghệ tiềm năng tại Việt Nam, nhưng nghịch lý là không có doanh nghiệp để đầu tư. Trong VN30 (Top 30 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam), chỉ có một cái tên công nghệ duy nhất là FPT, và vốn hóa của FPT cũng chỉ chiếm 5% trong VN30. “Mặc dù FPT là ngôi sao sáng nhưng cũng không còn room ngoại nữa. Vì vậy dù nhà đầu tư nước ngoài muốn đổ tiền vào công ty công nghệ, chúng tôi cũng không có cái tên nào để đưa ra cho họ”, bà Ngọc Anh chia sẻ thực tế.

Đề xuất được nới lỏng điều kiện niêm yết

Quan sát thị trường những năm gần đây có thể thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, có xu hướng thành lập công ty ở nước ngoài để huy động vốn thuận lợi hơn. Đại diện một công ty chứng khoán chia sẻ, khi tìm đến đơn vị này để được tư vấn huy động vốn, các "kỳ lân" và doanh nghiệp gần đạt mức "kỳ lân" thường đặt câu hỏi: “Liệu chúng tôi có thể huy động vốn tại các thị trường nước ngoài hay không?” thay vì đặt câu hỏi “Chúng tôi có thể huy động vốn và niêm yết tại thị trường Việt Nam?”. “Gần như không có doanh nghiệp nào đặt mục tiêu, hoặc có niềm tin rằng sẽ thực hiện được huy động vốn và niêm yết tại thị trường Việt Nam”, vị này cho biết.

Một ví dụ điển hình là Tiki Global thành lập năm 2021 tại Singapore rồi nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần CTCP Ti Ki, đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Tiki tại Việt Nam. Giữa năm 2020, CEO Tiki từng chia sẻ mong muốn Nhà nước nới lỏng điều kiện lên sàn chứng khoán đối với các công ty công nghệ bán lẻ. Song, đơn vị này đã phải “xuất ngoại” để niêm yết và gọi vốn.

Trước Tiki, khá nhiều startup khác cũng đã có những động thái tương tự khi lập công ty holding ở nước ngoài (thường là Singapore hoặc Hongkong) rồi đầu tư ngược lại vào pháp nhân trong nước, điển hình như Base, Cốc Cốc, Topica... Hiện, các công ty khởi nghiệp có tiềm năng lớn như MoMo, VNPay, Sky Mavis đều chưa thể niêm yết trong nước mà phải tìm cách huy động vốn từ quỹ đầu tư tư nhân hoặc đăng ký ở nước ngoài.

Sở dĩ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là công ty công nghệ không dám “mơ tưởng” đến việc IPO trên chính "sân nhà", bởi các quy định hiện hành được đánh giá là khó khăn, thậm chí là hàng rào kỹ thuật không thể vượt qua.

TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, phân tích, theo quy định của Luật Chứng khoán, các doanh nghiệp muốn IPO nhằm mục đích niêm yết trên sàn chứng khoán phải đáp ứng điều kiện hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm IPO có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Trong khi đó, việc có lỗ lũy kế đối với các công ty công nghệ là khó tránh, bởi nhóm này vận hành theo mô hình đặc thù, yêu cầu lượng vốn lớn ngay từ giai đoạn đầu nhằm đầu tư vào đổi mới công nghệ, mở rộng người dùng, xây dựng hạ tầng vận hành.

Giám đốc Quốc gia của Quỹ đầu tư Warburg Pincus Minh Đỗ chia sẻ, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, tương lai của họ không bị quyết định bởi lỗ lũy kế tại thời điểm họ muốn huy động vốn. Mặc dù họ có thể có lỗ lũy kế, nhưng trong mắt của các nhà đầu tư thì vẫn có tiềm năng phát triển. Đơn cử, một trong những kỳ lân công nghệ hiếm hoi của Việt Nam có các chỉ số tài chính rất tốt, nhưng vẫn không tránh khỏi ghi nhận lỗ trong giai đoạn đầu vì phải đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ và mở rộng thị trường. Điều này khiến doanh nghiệp gần như không có cơ hội để IPO tại Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là, phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi để giữ chân các công ty công nghệ trong nước? Nhiều chuyên gia đề xuất nới lỏng hoặc điều chỉnh điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội theo hướng linh hoạt hơn, qua đó không chỉ giúp các doanh nghiệp fintech Việt có cơ hội IPO ngay tại sân nhà mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam là trung tâm công nghệ mới của khu vực.

Minh Châu

Tin khác