Vẫn còn nhiều điểm tựa cho thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn
Nếu đạt các thỏa thuận giảm thiểu mức thuế hoặc mở rộng thị trường, VN-Index có thể đạt 1.300 điểm trong quý III. Ảnh minh: Dũng Minh
Định giá thị trường thấp hơn trung bình 3 năm
Đầu tháng 4/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã trải qua một đợt điều chỉnh mạnh và đột ngột, lấy đi thành quả tăng điểm từ đầu năm chỉ trong vài phiên giao dịch. Nguyên nhân chính đến từ việc căng thẳng thuế quan mà Hoa Kỳ dự kiến áp lên nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư đã được xoa dịu phần nào vào ngày 10/4/2025, khi Hoa Kỳ tuyên bố hoãn áp thuế trong 90 ngày và điều chỉnh mức thuế xuống còn 10%, nhằm mở ra cơ hội đàm phán với các quốc gia bị ảnh hưởng. Dù vậy, chỉ số thị trường vẫn đang dao động trong vùng giá thấp tương đối so với giai đoạn đầu năm.
Theo các chuyên gia của Công ty chứng khoán, KIS sử dụng hệ số P/E để so sánh mức định giá hiện tại với quá khứ. Theo đó, P/E hiện tại đang ở mức 9,5 lần, thấp hơn đáng kể so với trung bình 3 năm (11,3 lần) và 5 năm (12,9 lần). Đây là mức tương đương với giai đoạn khủng hoảng do Covid -19 năm 2020 và giai đoạn thị trường trái phiếu gặp vấn đề năm 2022, cho thấy thị trường đang bị định giá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng.
Mặc dù rủi ro chiến tranh thương mại vẫn còn là mối lo ngại, song các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam dự kiến sẽ là nền tảng vững chắc cho triển vọng trung và dài hạn của thị trường chứng khoán. Các chuyên gia đến từ SSI Research cho rằng, trong ngắn hạn, Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cho năm 2025 và hai con số cho các năm tiếp theo. Chính sách tài khóa (kích cầu, đầu tư công) vẫn là điểm nhấn của năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ công của Việt Nam vẫn đang ở mức rất thấp so với thế giới. Chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì, tuy nhiên trong ngắn hạn việc tỷ giá chịu áp lực cũng có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt của chính sách tiền tệ.
SSI Research đánh giá về dài hạn, việc có cơ hội nhanh chóng tiến một hiệp định thương mại tự do để làm cơ sở cân bằng hơn cán cân thương mại giữa hai nước Hoa Kỳ - Việt Nam sẽ là một bước tiến lớn của Việt Nam. Không những thế, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc theo hướng đa dạng hơn thị trường xuất khẩu, cũng như tập trung hơn vào thị trường nội địa với các động lực tăng trưởng từ bên trong để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.
Yếu tố hỗ trợ từ nội tại
Theo bà Cao Thị Ngọc Quỳnh - Giám đốc Khối Khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán VNDirect, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán sẽ còn duy trì tâm lý tích cực nhờ “cú hích” thông tin, đặc biệt khi nhà đầu tư đã thoát khỏi trạng thái hoảng loạn của các phiên bán tháo trước đó. Tuy nhiên, xu hướng dài hạn sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả các cuộc đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong 90 ngày tới. Nếu Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội để đạt được các thỏa thuận giảm thiểu mức thuế hoặc mở rộng thị trường xuất khẩu, VN-Index hoàn toàn có thể hướng tới vùng 1.300 điểm trong quý III.
Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) Trần Thị Khánh Hiền tin tưởng, nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái vẫn là các yếu tố bảo đảm cho sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index trong năm 2025. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi của FTSE trong năm 2025 cũng như MSCI trong năm 2026.
Với điểm tựa trên, bà Trần Thị Khánh Hiền đưa ra nhận định, các nhóm ngành như bất động sản dân cư, ngân hàng, điện, thép, xây dựng hạ tầng, dầu khí thượng nguồn sẽ ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng. Bên cạnh đó, đợt giảm mạnh vừa qua đã đưa định giá một số cổ phiếu đầu ngành công nghệ, thực phẩm tiêu dùng xuống vùng định giá hấp dẫn để tích lũy.
Chính sách thuế quan mới của chính quyền Trump sẽ có tác động đáng kể đến viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do vậy, việc ưu tiên quản trị danh mục nên được đặt lên hàng đầu. Nhà đầu tư có thể tận dụng các đợt phục hồi của thị trường để giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy và cơ cấu danh mục đầu tư. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ lệ tiền mặt cao, nhịp điều chỉnh hiện tại của thị trường là cơ hội để tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành mà hoạt động kinh doanh không phụ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu.
Với danh mục dài hạn, nhà đầu tư sẽ có cơ hội tái cơ cấu danh mục đầu tư ở mức giá tốt sau khi thị trường tìm được điểm cân bằng. Các doanh nghiệp mang tính chất phòng thủ hoặc có doanh thu ảnh hưởng nhẹ bởi yếu tố thuế quan, vì biến động tiêu cực của thị trường mà tạo ra định giá thấp, là những doanh nghiệp mà nhà đầu tư có thể chú ý để tăng tỷ trọng trong giai đoạn tới.
Tấn Minh