1. Tài chính

Tỷ giá và dư địa chính sách

Trong phiên họp chính sách kết thúc tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm 0,25% lãi suất. Song việc Fed giảm lãi suất cũng không thể khiến USD - Index hạ nhiệt đáng kể.

Giới đầu tư toàn cầu đang ngóng đợi chính sách của tân Tổng thống Mỹ. Nhiều người lo ngại, tân Tổng thống Mỹ sẽ gây khó cho lộ trình giảm lãi suất của Fed, cũng như sẽ dựng nhiều “hàng rào” bảo vệ sản xuất trong nước, trong đó có hàng rào thuế quan. Một khi Chỉ số USD - Index tiếp tục tăng, thì tỷ giá VND/USD sẽ gặp áp lực.

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD biến động rất mạnh qua 3 giai đoạn. Giai đoạn nửa đầu năm, tỷ giá VND/USD khá căng thẳng, có lúc tăng gần 5%, trên thị trường tự do có thời điểm vượt 26.000 VND/USD.

Giai đoạn ngắn ngủi nửa cuối quý III/2024, tỷ giá VND/USD hạ nhiệt trước thềm Fed giảm lãi suất và chỉ còn tăng 1,3% tại thời điểm cuối tháng 9/2024.

Thế nhưng, từ tháng 10 tới nay, Chỉ số USD-Index đã bật mạnh trở lại, tác động không nhỏ tới tỷ giá VND/USD (tăng gần 3% trong tháng 10/2024). Tính từ đầu năm đến cuối tuần qua, tỷ giá VND/USD tăng gần 4,4%. Giới chuyên gia dự đoán, tỷ giá VND/USD sẽ còn căng thẳng đến hết năm nay.

Sự gia tăng giá trị USD trên phạm vi rộng khiến dư địa điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bị co hẹp. Trong báo cáo gửi Quốc hội tuần qua, Thống đốc NHNN thừa nhận, việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới là rất khó khăn, một phần do sức ép tỷ giá.

Có rất nhiều lý do để cơ quan quản lý và điều hành chính sách tài chính - tiền tệ tiếp tục thận trọng khi áp dụng chính sách tỷ giá.

Thứ nhất, dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ tạm hoãn lộ trình giảm lãi suất, song tỷ lệ đặt cược của thị trường thể hiện, nhà đầu tư vẫn tỏ ra nghi ngờ về khả năng này. Chỉ số USD - Index vẫn được duy trì ở mức đỉnh trong 3 tháng qua. Trong nước, giá USD bán ra tại các ngân hàng có 14 phiên liên tiếp tăng kịch trần hoặc sát trần. Nếu giá USD tiếp tục tăng, thì không loại trừ khả năng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam tiếp tục sụt giảm.

Thứ hai, dù nhà điều hành đang triển khai đồng thời cả hai công cụ là tín phiếu và bán ngoại tệ can thiệp để kiềm chế đà tăng của tỷ giá VND/USD - tương tự quý II và đầu quý III vừa qua, thì khả năng tiếp tục thực hiện các công cụ này cũng chỉ có giới hạn, nếu không sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản tiền Việt trên thị trường liên ngân hàng. Diễn biến trong tuần qua cho thấy, lãi suất liên ngân hàng qua đêm có lúc vọt tăng tới 6%.

Thứ ba, tỷ giá tăng sẽ tác động xấu tới nhập khẩu và lạm phát, nhất là trong bối cảnh lạm phát còn chực chờ tăng do độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, do nguy cơ thiên tai, lũ lụt và các tác động khách quan khác.

Thứ tư, áp lực tỷ giá cộng thêm cầu tín dụng tăng trong những tháng cuối năm có thể khiến lãi suất gia tăng. Điều này gây khó khăn cho nỗ lực phục hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… gặp khó, doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng ngân hàng. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế càng có nguy cơ yếu hơn.

Cho dù NHNN đang theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, song với những thách thức mới, dư địa của chính sách tiền tệ hiện trở nên rất hạn hẹp. Lúc này, sự hỗ trợ của chính sách tài khóa, đặc biệt việc cắt giảm thủ tục hành chính, tăng giải ngân vốn đầu tư công… là rất cần thiết.

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV dự kiến thông qua một loạt luật nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực đầu tư, tài chính. Kỳ vọng, các dự luật mới sẽ giúp khơi thông nhiều kênh vốn, kể cả vốn đầu tư công, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đa dạng, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, từ đó tạo thêm dư địa, giúp các cơ quan chức năng vơi bớt áp lực trong quản lý, điều hành chính sách tài chính - tiền tệ.

Trần Mạnh

Tin khác