1. Tài chính

Tỷ giá USD/VND có thể đạt 26.000 đồng, lãi suất nguy cơ tăng trở lại

Tỷ giá USD/VND vượt 24.600 đồng/USD

Trong những ngày gần đây, thị trường tài chính chứng kiến xu hướng ngược chiều nhau rõ nét của lãi suất và tỷ giá. Trong khi lãi suất liên tiên tục giảm sâu và thậm chí thủng mốc 6%/năm ở kỳ hạn 12 tháng, tỷ giá USD/VND tăng theo giờ và vượt mốc 24.600 đồng/USD.

Ngân hàng TMCP Phương Đông là đơn vị có giá bán ra cao nhất lên tới 24.681 đồng/USD, tăng 28 đồng/USD so với cuối ngày hôm qua. Giá mua vào tại nhà băng này đạt 24.211 đồng/USD.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mua bán USD ở mức: 24.220 đồng/USD – 24.520 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD. Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỷ giá vẫn chưa thay đổi, giao dịch ở mức: 24.190 đồng/USD – 24.530 đồng/USD.

Tỷ giá USD/VND đang “nóng” lên từng ngày và được dự báo có thể đạt tới 26.000 đồng/USD. Trong bối cảnh đó, lãi suất có nguy cơ tăng trở lại. Ảnh minh họa

Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tỷ giá USD/VND được niêm yết ở mức: 24.230 – 24.550, tăng 10 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.

Giá mua vào và bán ra đồng USD tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) có diễn biến trái chiều. Tỷ giá tại VietinBank niêm yết ở mức: 24.216 đồng/USD – 24.556 đồng/USD, tăng 46 đồng/USD chiều mua vào nhưng giảm 34 đồng/USD chiều bán ra.

Có thể thấy, trong hệ thống ngân hàng, giá bán ra USD đã đồng loạt vượt mức 24.500 đồng/USD. OCB là trường hợp đặc biệt khi tỷ giá vượt mức 24.600 đồng/USD và hướng tới mức cao 24.700 đồng/USD.

Tỷ giá trung tâm tiền đồng so với USD áp dụng cho ngày 19/09/2023 được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức: 24.060 đồng/USD, tăng 14 đồng/USD so với hôm qua. Tỷ giá áp dụng cho ngày 19/09/2023 là 23.400 đồng/USD – 25.213 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND cũng tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng vẫn chậm hơn hệ thống ngân hàng nên khoảng cách giữa hai thị trường ngày càng lớn hơn.

Tại Hàng Bạc, Hà Trung, những “phố ngoại tệ” của Hà Nội, tỷ giá được giao dịch phổ biến ở mức 24.280 đồng/USD – 24.380 đồng/USD, tăng nhẹ so với cuối ngày hôm qua. Ở mỗi cửa hàng khác nhau, mức chênh là khoảng 10 đồng/USD.

USD có thể đạt 26.000 đồng, lãi suất nguy cơ tăng trở lại

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết nguyên nhân khiến tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong suốt thời gian qua là sự trái chiều giữa lãi suất tiền đồng và lãi suất USD.

Hiện tại, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất đồng USD. Điều này sẽ được công bố trong các kỳ họp sắp tới của ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới này.

Trong khi đó, sau nhiều lần giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước vẫn muốn giảm thêm khiến mức chênh lãi suất giữa tiền đồng và USD ngày càng lớn hơn. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến đồng USD mạnh lên so với tiền đồng.

Thứ hai, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện tại, nền kinh tế trong nước vẫn trì trệ cũng tác động tiêu cực đến giá trị tiền đồng và đẩy tiền đồng xuống. Các yếu tố đó cộng hưởng đẩy tỷ giá lên.

“Theo tôi, tỷ giá USD/VND có thể tăng lên 25.000 đồng/USD, thậm chí là 26.000 đồng/USD”, TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ra dự báo cho tỷ giá.

Ông Hiếu phân tích tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái. Nếu tỷ giá tăng mạnh thì sẽ bất lợi cho nhập khẩu vì giá hàng hóa tính bằng đồng USD sẽ tăng lên nếu quy ra tiền đồng, từ đó khiến lạm phát tăng cao.

Đồng thời, tỷ giá tăng sẽ gây áp lực khiến lãi suất tăng trở lại.

“Nếu trong cuộc họp sắp tới FED tăng đồng USD thì lãi suất tiền đồng ít nhất sẽ dừng giảm, thậm chí có thể tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao, đạt khoảng 0,25%. Tuy nhiên, lãi suất qua đêm sẽ đạt mức cao 5,5% hoặc 5,75%”, ông Hiếu bình luận.

Theo công cụ CME FedWatch, thị trường tiền tệ kỳ vọng FED sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp sắp tới, mặc dù điều này có thể thay đổi trong các cuộc họp tiếp theo.

Erik Weisman, nhà kinh tế trưởng và giám đốc danh mục đầu tư tại MFS Investment Management, cho biết: “Thị trường sẽ tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy FED có thể nghiêng về một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm hoặc một đợt tạm dừng lâu dài hơn là cần thiết.”

Hoàng Tú

Tin khác