1. Tài chính

Tỷ giá sẽ còn căng thẳng đến cuối năm, ứng xử của doanh nghiệp ra sao?

Tỷ giá VND/USD đã “nổi sóng” trở lại từ đầu tháng 10 vừa qua theo cùng sự gia tăng chỉ số USD - Index. Khả năng mạnh lên vẫn rất lớn của đồng USD sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể gây áp lực không nhỏ cho cơ quan quản lý trong điều hành chính sách tỷ giá.

‘Chóng mặt’ vì biến động tỷ giá

Trong phiên họp chính sách kết thúc tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm 0,25% lãi suất. Song việc Fed giảm lãi suất cũng không thể khiến USD - Index hạ nhiệt đáng kể.

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND biến động rất mạnh qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn nửa đầu năm, tỷ giá USD/VND khá căng thẳng, có lúc tăng gần 5%, trên thị trường tự do có thời điểm vượt 26.000 đồng/USD.

Giai đoạn ngắn ngủi nửa cuối quý III/2024, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt trước thềm Fed giảm lãi suất và chỉ còn tăng 1,3% tại thời điểm cuối tháng 9/2024.

Ngày 11/11, giá USD tại các ngân hàng thương mại bán ra ở trong khoảng 25.460 đồng/USD, tỷ giá "chợ đen" bán ra vượt 25.600 đồng/USD.

Với nhiều doanh nghiệp có các khoản vay bằng USD đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá sâu trong nửa đầu năm như: Vietnam Airlines chịu khoản lỗ tỷ giá lên tới 1.224 tỷ đồng với tổng vay USD tương đương 6.117 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Tương tự, Novaland lỗ 834 tỷ đồng, Thế Giới Di Động lỗ 146 tỷ đồng và Tập đoàn Hòa Phát cũng không ngoại lệ với khoản lỗ 229 tỷ đồng.

Bước sang quý III, tỷ giá USD/VND quay đầu giảm sau “sóng” tăng bất thường được các doanh nghiệp kỳ vọng có thể mang về doanh thu tài chính trong quý, giúp thu hẹp khoản chi phí tài chính đã ghi nhận trước đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, sau nhịp giảm ngắn tháng 8 và tháng 9/2024, từ đầu tháng 10 tới nay, chỉ số USD-Index đã bật mạnh trở lại, tác động không nhỏ tới tỷ giá USD/VND (tăng gần 3% trong tháng 10/2024). Tính từ đầu năm đến cuối tuần qua, tỷ giá USD/VND tăng gần 4,4%.

Khi đồng USD tăng giá, không chỉ các doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều hoặc vay nợ bằng USD sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi phải chịu chi phí tăng thêm. Ngay cả các doanh nghệp xuất khẩu cũng không được hưởng nhiều lợi ích khi tỷ giá tăng, do phần lớn máy móc thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu đều phải nhập khẩu, nên khi tỷ giá tăng cũng sẽ đẩy giá nguyên vật liệu tăng.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Tiến Vinh, Chủ tịch HĐQT CTCP Dược liệu và thực phẩm Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh giá đồng USD tăng cao, trong ngắn hạn, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, về lâu dài thì điều này sẽ không tốt cho doanh nghiệp bởi nhiều yếu tố bị tác động, từ chi phí đầu vào bị tăng lên hay việc phải điều chỉnh giá bán đối với nhiều thị trường khác nhau.

Giới chuyên gia dự đoán tỷ giá USD/VND sẽ còn căng thẳng đến hết năm nay.

Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, tỷ giá sẽ biến động quanh mức 3% hàng năm, trong đó cuối năm sẽ đạt khoảng 25.200 đồng/USD, nhờ thặng dư thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối, du lịch tăng trưởng...

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng áp lực tỷ giá cũng vẫn sẽ tăng cao trong tháng 11 này. Thậm chí cao điểm, đồng VND có thể mất giá 5%, tỷ giá sẽ tiệm cận 26.000 đồng/USD.

“Chưa kể yếu tố bên ngoài, việc các doanh nghiệp thường tăng nhập khẩu hàng hóa để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng cuối năm do yếu tố mùa vụ; và Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh mua vào USD tới 1 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tháng cũng đủ gây áp lực lên tỷ giá”, ông nói.

Cân nhắc bán ngoại tệ khi tỷ giá biến động lớn

Về điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, đồng USD biến động phức tạp, khi có thời điểm giảm mạnh, từ quý III lại tăng và hiện biến động ở mức cao. Điều này đã tác động tới thị trường ngoại hối trong nước.

Ngày 11/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thông tin về việc điều hành tỷ giá trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: "Việc ổn định tỷ giá, ngoại hối là khó khăn do phụ thuộc cung cầu thực trên thị trường, tức lượng ngoại tệ chi ra nền kinh tế và nguồn thu có được".

Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối còn tồn tại tình trạng đô la hóa, nên chịu tác động tâm lý kỳ vọng lớn. Tức là tổ chức, doanh nghiệp có ngoại tệ thì không bán, khi chưa cần ngoại tệ, họ đã mua, nên đây là thách thức của điều hành. Dù vậy, bà Hồng cho biết NHNN kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến thị trường. Hiện, biên độ tỷ giá được phép dao động +/- 5%.

"Khi thị trường biến động quá lớn, NHNN sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu. Bên cạnh đó, NHNN cũng chú trọng công tác truyền thông để doanh nghiệp và người dân hiểu hiểu rõ về định hướng chính sách", Thống đốc chia sẻ.

Để ổn định tỷ giá, NHNN cũng để ngỏ khả năng không giảm lãi suất. Bởi nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỷ giá, có thể tạo tâm lý không yên tâm của nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá không ổn định.

Hiện tại, với giá USD ở quanh mức hơn 25.000 đồng (bán ra), kéo theo chi phí của doanh nghiệp tăng lên từ 5- 10%, các chuyên gia phân tích nhận định, việc ứng phó với biến động tỷ giá không phải chuyện mới. Tuy nhiên, với lần biến động này, chắc chắn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ có cách ứng biến làm sao để có lợi nhất hoặc giảm thiểu rủi ro nhất.

Một doanh nghiệp chia sẻ từ đầu năm nay đã tham gia vào các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá và bảo lãnh thanh toán quốc tế, bảo hiểm tỷ giá của các ngân hàng. Chẳng hạn, doanh nghiệp xuất khẩu muốn cố định tỷ giá để xác định doanh thu thì dùng công cụ "bán kỳ hạn" cho ngân hàng, còn doanh nghiệp nhập khẩu thì dùng công cụ "mua kỳ hạn". Điều này có nghĩa, nếu doanh nghiệp mua tỷ giá 25.200 đồng/USD trong tháng này, thì dù sau đó, tỷ giá có tăng hay giảm cũng không ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Thanh Hoa

Tin khác