Tuần tới, VN-Index có thể kiểm định vùng hỗ trợ 1.250 điểm
Trong tuần qua, chỉ số VN-Index có 2 phiên áp sát mốc 1.300 điểm, song cũng giống như những nỗ lực trước đó đều không mang lại thành quả và bị đẩy ngược về sát mức tham chiếu.
Sự hụt hơi của thị trường cũng đến từ sự suy yếu của nhóm cổ phiếu dẫn dắt trước đó là ngân hàng và chứng khoán. Áp lực bán đặc biệt tăng mạnh trong 2 phiên cuối tuần, xóa tan thành quả của cả tuần trước đó. Đóng cửa tuần giao dịch từ ngày 30-9 đến 4-10, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1.270,6 điểm, giảm 20,32 điểm (-1,57%). Khối ngoại mua ròng 444,7 tỷ đồng trong tuần qua.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect, chỉ số VN-Index đối mặt với áp lực chốt lời gia tăng mạnh khi tiếp cận vùng kháng cự 1.300 điểm và quay đầu giảm điểm trong tuần vừa qua. Nhịp điều chỉnh của thị trường còn chịu tác động từ việc tỷ giá USD/VND liên ngân hàng quay đầu tăng trở lại, lên mức 24.750 và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng vượt mốc 4%.
“Trong tuần tới, chỉ số VN-Index có thể kiểm định vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm (+/- 10 điểm). Tôi kỳ vọng dòng tiền bắt đáy sẽ xuất hiện tại vùng này và chỉ số VN-Index ít khả năng điều chỉnh sâu hơn vùng này”, vị chuyên gia dự báo.
Về trung hạn, ông Đinh Quang Hinh cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay tới cuối năm là tích cực nhờ một số yếu tố như: Chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu mới chỉ bắt đầu; Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tiền trong những tháng cuối năm; triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 3 và quý 4 năm nay, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và mức nền so sánh thấp trong nửa cuối năm 2023.
Vì vậy, nhà đầu tư đã kịp chốt lời cổ phiếu tại vùng 1.290-1.300 điểm như khuyến nghị có thể xem xét giải ngân trở lại, ưu tiên các mã cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực và định giá còn hấp dẫn trong những ngành như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và dầu khí.
Còn chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhìn nhận, VN-Index duy trì chuỗi phiên giảm điểm liên tiếp trong ngày giao dịch cuối tuần với điểm số sụt giảm đóng cửa ở gần mức thấp nhất, tiếp tục thể hiện tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Điểm tích cực nhất trong phiên là thanh khoản sụt giảm khá mạnh nên áp lực bán tháo chưa xảy ra. Xu hướng tăng điểm đang bị chững lại, nhường cho nhịp giảm và khả năng cao sẽ kéo VN-Index về vùng hỗ trợ 1.250 điểm trong tuần tới.
Kỳ vọng về xu hướng tăng điểm vượt mốc 1.300 điểm vẫn còn dù triển vọng đang thấp dần với tuần giảm điểm mạnh vừa qua, vậy nên cần thêm thời gian. Chuyên gia doanh nghiệp này khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ danh mục đã mua vừa qua, song hạn chế việc mua thêm, cần kiên nhẫn chờ thêm tín hiệu tích cực hơn trước khi gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu.
Đồng quan điểm, chuyên gia Công ty chứng khoán ngân hàng Đông Á cho rằng, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục quán tính điều chỉnh trong tuần tới với hỗ trợ ngắn hạn là 1.250 điểm và cần thêm thời gian để củng cố nền giá trước khi quay lại nhịp tăng. Với định giá tốt hơn so với thị trường chung, cổ phiếu ngân hàng vẫn được ưu tiên trong danh mục trung dài hạn. Nhà đầu tư có thể tiếp tục tích lũy các cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và khu công nghiệp, hóa chất. Đối với các giao dịch ngắn hạn, nhà đầu tư chờ đợi thị trường giao dịch cân bằng hơn.
Hương Thủy