Tụ điểm ăn chơi về đêm khét tiếng chỉ còn mở 2-3 ngày/tuần
Ngoài vấn đề thiếu nhân viên đã kéo dài cả năm, nhiều nhà hàng, địa điểm ăn chơi ở New York (Mỹ) đang cắt giảm giờ mở cửa vì tình trạng tội phạm gia tăng trong thành phố, theo NY Post.
Tính đến tháng trước, đầu bếp nổi tiếng Jean-Georges Vongerichten đã mở 6 nhà hàng và 6 cửa hàng ăn uống bình dân bên trong tòa nhà Tin Building ở khu South Street Seaport. Nhưng tổng cộng 12 địa điểm này và bản thân tòa nhà chỉ mở 4 ngày/tuần, từ buổi trưa đến 21h.
Nhân viên chỉ đến văn phòng 2-3 ngày/tuần. Tình trạng tội phạm đường phố gia tăng là hai nguyên nhân chính khiến mọi thứ kém sôi động đi rất nhiều ở nơi vốn là địa điểm ăn chơi nổi tiếng ở nước Mỹ.
New York vốn được mệnh danh là "thành phố không bao giờ ngủ" nhờ nhịp sống sôi động. Nhưng sau khi nơi này phục hồi sau những tháng ngày dịch bệnh, cuộc sống về đêm ngày càng khó cứu vãn.
Trong khi phần còn lại của nước Mỹ đã lấy lại được mạch vận hành cũ, New York vẫn đang chật vật.
Nhiều công việc liên quan tới khách sạn và nhà hàng đã biến mất vì ít người đến thăm thành phố hoặc ra ngoài ăn uống hơn. Những việc làm hiện có thì khó kiếm người, khi ca làm vào đêm muộn và mức lương tương đối thấp.
Chỉ mở vài ngày trong tuần
"Mọi người ở nhà, ít đi làm trực tiếp và cũng không còn nhu cầu đi ra ngoài đường chơi vào buổi tối nhiều như trước vì lo ngại an toàn, đặc biệt là về đêm. Tôi thậm chí có phần lo lắng khi đi dạo lúc 2h sáng vào các đêm chủ nhật", Richie Romero - người được mệnh danh là "ông trùm" trong việc kinh doanh dịch vụ ăn chơi về đêm ở New York - than phiền.
CLB Nebula, hộp đêm có diện tích lớn do Romero làm chủ sở hữu mới đi vào hoạt động từ năm ngoái, hiện hoạt động 3 đêm/tuần (thứ 3, thứ 6 và thứ 7) và thỉnh thoảng mở thêm vào thứ 5. Thời gian còn lại, CLB chỉ mở cửa cho các sự kiện riêng tư.
Fin and Scales, nhà hàng sushi cũng nằm dưới sự quản lý của Romero, chỉ mở cửa đúng một ngày trong tuần.
Một cửa hàng pizza khác tên Zazzy's Pizza có 3 chi nhánh, trong đó cửa hàng ở khu Lower East Side chỉ hoạt động đến 4h sáng vào 3 ngày (thứ 5 đến thứ 7), còn lại cửa đóng then cài từ 22h30 tối trong khoảng thời gian chủ nhật đến thứ 4.
Nhà hàng đồ Hoa Wo Hop ở khu phố Tàu vốn mở 24/24 trong nhiều thập kỷ, sau đó đến 4h30 sáng từ đầu những năm 2000. Còn giờ, bảng hiệu, đèn đóm tắt từ 22h30.
David Leung, người chủ hiện tại, cho biết: “Nhân viên ở đây hầu hết lớn tuổi và nhiều người quyết định nghỉ hưu sau thời gian quán đóng vì dịch bệnh".
"Tôi cũng không muốn họ làm khuya nữa. Phần lớn sống ở quận Brooklyn hoặc quận Queens và di chuyển bằng phương tiện công cộng. Với những cuộc tấn công nhắm vào người châu Á suốt mấy năm qua, tôi lo lắng cho sự an toàn của họ", Leung nói.
Dồn sức vào cuối tuần
Nhiều nhà hàng ở Big Apple cố quay lại nhịp vận hành cũ như trước khi đại dịch xảy ra đã sớm phải từ bỏ giấc mộng và thu hẹp quy mô lại nếu không muốn dẹp tiệm sớm.
Khi CLB Roam Sporting Club ra mắt ở khu quận Queens vào tháng 2, lịch hoạt động vốn là 7 ngày/tuần. Nhưng trong suốt mùa hè, quán bar cao cấp này đã cắt giảm hoạt động xuống còn 5 ngày.
Chủ sở hữu Manish Chadha đã cố gắng mở cửa lại thêm ngày thứ 2 nhưng chi phí phải bỏ ra quá cao, cộng với việc khách hàng không còn tha thiết đi giải trí sau giờ làm. Đến giữa tháng 9, nhà hàng tiếp tục ngừng phục vụ bữa trưa vì vắng khách.
Khi ra mắt vào năm 2019, nhà hàng Ten Hope ở khu Brooklyn cũng đón thực khách 6 ngày/tuần. Giờ con số giảm xuống 4 ngày, từ thứ 5 đến chủ nhật. Người chủ tên Bill Zafiros gọi động thái cắt giảm này là cần thiết để quán cầm cự được đến mùa đông sắp tới.
Anh cũng tung ra chương trình đồng giá bữa tối 10 USD để thu hút khách hàng. Nhờ đó, số bàn ăn vào cuối tuần luôn kín chỗ.
"Biện pháp là đơn giản hóa mọi thứ và đáp ứng đúng nhu cầu, thay vì cố mời gọi hay thuyết phục khách hàng đi chơi sớm hơn trong tuần", Zafiros giải thích.
Tập trung kinh doanh dịch vụ hết công suất vào dịp cuối tuần giờ trở thành phương án được ưu tiên.
Gần đây, Albert Trummer, một bartender lâu năm trong nghề pha chế ở New York, mở thêm một quầy cocktail bar trong một nhà hàng bít tết kiểu Anh ở đại lộ Park Avenue South.
Quầy bar này chỉ đón khách 3 ngày/tuần vì thiếu nhân viên pha chế, cộng với quán một phần đi theo hướng phục vụ riêng cho các sự kiện riêng tư.
"Rất nhiều bartender và các vị trí nhân sự khác đã rời bỏ công việc trong thời kỳ dịch bệnh. Việc tìm được những người có tay nghề cao, sẵn sàng làm việc lâu dài trong ngành giờ quá khó", Trummer phàn nàn.
Khi thành phố New York bước vào kỳ nghỉ lễ cuối năm, bartender kỳ cựu này hy vọng sẽ kéo dài được thời gian hoạt động của cơ sở, dù biết khả năng vốn mong manh.
Hiền Thy