Nữ triệu phú đem tặng 90% khối tài sản được thừa kế vì có quá nhiều tiền
Ở tuổi 29, cô Marlene Engelhorn trở thành triệu phú khi sở hữu khối tài sản thừa kế có giá trị hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, cô gái này nhận ra rằng cô có quá nhiều tiền mà không biết phải làm gì, nên quyết định cho đi từ 90 – 95% khối tài sản cá nhân.
Cô Marlene là cháu gái của bà cố Traudl Engelhorn-Vechiatto (94 tuổi), một thành viên trong gia đình nổi danh trong ngành công nghiệp tại Đức. Khối tài sản của gia tộc Engelhorn được xây dựng từ năm 1865, khi cụ cố Friedrich Engelhorn cho thành lập BASF, một trong những công ty hóa chất lớn nhất thế giới. Anh rể của bà cố Traudl là ông Curt đã điều hành tập đoàn gia đình cho tới năm 1997, và sau đó bán lại cho Roche với mức giá gần 11 tỉ USD.
Vào thời điểm chuyển nhượng tập đoàn, bà Traudl nhận được gần 2,45 tỉ USD. Khối tài sản của bà Traudl sau đó tăng lên thành 4,2 tỉ USD vào thời điểm bà qua đời hồi đầu năm nay.
Cô Marlene là người được thừa hưởng hàng chục triệu USD, nhưng đây lại là điều bản thân cô gái không hề mong muốn.
Nữ triệu phú trẻ tuổi chia sẻ với nhiều người, quyết định quyên tặng từ 90 – 95% khối tài sản thừa kế là điều khó hiểu. Nhưng cô nhấn mạnh, khi được bà nói về chuyện sẽ để lại hàng chục triệu USD, bản thân cô không hề cảm thấy vui vẻ gì mà lại rất bối rối.
“Đáng lẽ chuyện sử dụng khối tài sản của gia đình không nên do tôi quyết định, bởi tôi không làm việc để gây dựng nó. Quản lý khối tài sản thừa ké cũng rất mất thời gian. Đó không phải là điều tôi muốn làm trong đời”, cô Marlene nói.
Cũng theo cô Marlene, dù bản thân đã biết chuyện sẽ được hưởng thừa kế hàng chục triệu USD từ cách đây 2 năm, nhưng từ đó cô đã chủ động nghĩ tới chuyện bằng cách nào cho đi phần lớn.
Phương án trao cho các tổ chức từ thiện hiện là cách dễ dàng nhất. Nhưng theo cô gái, một cá nhân không làm bất cứ việc gì để tạo ra số tiền lớn như vậy thì cũng không được phép quyết định ai là người xứng đáng được quyên tặng. Thay vào đó, đưa ra mức đánh thuế tài sản và thừa kế cao hơn đối với người giàu là cách làm hiệu quả.
“Tôi không làm gì mà cũng nhận được thừa kế. Đây chỉ là số phận may mắn, và sự trùng hợp ngẫu nhiên”, cô Marlene chia sẻ.
Trả lời phỏng vấn VICE, cô Marlene chỉ trích nhiều người thuộc tầng lớp siêu giàu trên thế giới lại dùng hành động thiện nguyện để phân tán bớt tài sản, và xem đây là cách hiệu quả để né tránh bị đánh thuế tài sản càng nhiều càng tốt. Cô Marlene cũng nhấn mạnh hành vi làm từ thiện để né thuế là điều đáng lên án, bởi nó không chân thành.
Theo quan điểm của cô Marlene, cần phân bổ tài sản của người giàu một cách công bằng hơn, và đánh thuế ở mức cao hơn đối với giới siêu giàu vì một xã hội văn minh công bằng.
Dù đang theo học tại Đại học Vienna, cô Marlene hiện là thành viên của tổ chức "Millionaires for Humanity", nơi ủng hộ đánh thuế thừa kế và tài sản của người giàu, cũng như đảm nhận cương vị nhà sáng lập sáng kiến "Taxmenow".
Khi được hỏi về dự định trong tương lai sau khi quyên tặng 90 – 95% khối tài sản được thừa kế, cô Marlene nói rằng, “Tôi cũng chưa biết phải làm gì. Nhưng tôi muốn mình được làm việc chăm chỉ như những người khác”.
Minh Thu (lược dịch)