1. Chứng khoán

Trước thềm 'chuyển nhà' lên HoSE, lợi nhuận của Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) giảm mạnh so với cùng kỳ, giá cổ phiếu chưa quay lại 'đỉnh'

Cáo bạch tài chính quý 2.2024 cho thấy, doanh thu của BSR đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 27%. Trừ đi giá vốn, lãi gộp gòn 498 tỷ đồng, giảm 58%.

Trừ đi các chi phí, sau cùng, doanh nghiệp lãi ròng 768 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ.

Theo BSR, nguyên nhân của việc sụt giảm lợi nhuận đến từ việc trong tháng 3 và 4.2024, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng để bảo dưỡng tổng thể đợt 5, gây ảnh hưởng đến lượng sản xuất và tiêu thụ.

Bên cạnh đó, giá dầu thô diễn biến phức tạp, giá trung bình giảm từ 90.15 USD/thùng tại tháng 4 còn 82.61 USD/thùng vào tháng 6. Cracking spread cũng giảm so với cùng kỳ, dẫn đến kết quả kinh doanh đi lùi.

Tại cuối tháng 6, tổng tài sản của BSR đi ngang so với đầu năm, đạt hơn 86 nghìn tỷ đồng. Về chất lượng tài sản, BSR đang nắm giữ gần 40 nghìn tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Hàng tồn kho giảm 8%, còn hơn 14 nghìn tỷ đồng.

Về nợ vay tài chính, doanh nghiệp chỉ có nợ vay ngắn hạn với giá trị hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm. Toàn bộ là nợ vay ngân hàng.

Trước đó, trong quý 1.2024, BSR cũng chứng kiến một kỳ kinh doanh đi lùi khi cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm so với cùng kỳ lần lượt 12% và hơn 30%.

Giá cổ phiếu vẫn chưa quay lại “đỉnh”

Lọc hóa dầu Bình Sơn tiền thân là Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn thành lập ngày 9.5.2008, thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành sản xuất - kinh doanh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD.

Ngày 1.3.2018, Cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn chính thức lên sàn UPCoM. Khởi đầu của BSR gây chú ý khi tăng kịch trần (+40%) lên 31.300 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu BSR

Mặc dù điểm xuất phát ấn tượng nhưng sau đó cổ phiếu BST gặp nhiều sóng gió khi liên tục rớt giá và có thời điểm rớt đáy xuống mức “cổ phiếu trà đá” với thị giá 5.000 đồng/cp, tương đương với việc “bốc hơi” đến 84% so với giá ở đỉnh. Việc rớt giá khiến các nhà đầu tư trót đặt niềm tin vào BSR phải đợi đến 4 năm sau mới có thể về bờ vào thời điểm tháng 6.2022.

Tuy nhiên, chỉ sau đó nửa năm vào thời điểm tháng 11.2022, giá cổ phiếu BSR tiếp tục đi xuống và rơi về mức 11.000 đồng/cp, chỉ bằng 1/3 so với giá đỉnh. Sau đó, BSR tiếp tục chặng đường hồi phục và cho đến thời điểm kết phiên giao dịch ngày 25.9.2024, giá cổ phiếu BSR đang ở mức 24.000 đồng/cp, giảm hơn 23% so với đỉnh.

Chiếu theo thị giá nêu trên, vốn hóa thị trường của BSR đang vào khoảng hơn 75.000 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm chào sàn, giá trị vốn hóa đã “bốc hơi” hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR, ngày 21.8.2024, BSR đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu BSR lên HoSE, tương ứng số vốn điều lệ hiện tại hơn 31.004 tỷ đồng.

BSR đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 50.000 tỉ đồng nhằm cân đối nguồn vốn cho dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Phương án tăng vốn đang được báo cáo với cổ đông lớn Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và các cấp có thẩm quyền.

Trúng nhiều gói thầu "khủng" cung cấp xăng dầu

Ngày 13.9.2024, Cục Xăng Dầu (Tổng Cục Hậu Cần, Bộ Quốc phòng) vừa có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 02: Mua xăng RON 83, Diesel-62 và Jet A-1K bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng năm 2024 và năm 2025. Theo đó, giá trúng thầu là hơn 956.177.382.172 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng trong 120 ngày. Nhà thầu trúng là Công ty Cổ phần lọc Hóa dầu Bình Sơn.

Trước đó, vào tháng 11.2023, Công ty Cổ phần lọc Hóa dầu Bình Sơn cũng trúng gói thầu số 07: Mua Jet A-1K đợt 2 năm 2023 bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng. Giá trúng thầu là 544.375.456.743 đồng, thời gian thực hiện là 45 ngày.

Cũng liên quan hoạt động đấu thầu, cuối năm 2023, BSR đã ban hành quyết định hủy thầu đối với Gói thầu “Mua bảo hiểm nhân thọ cho CBCNV”, có giá dự toán là 540.950.000.000 đồng.

Sau khi BSR hủy thầu, xuất hiện thông tin về việc Bộ Tài chính có Văn bản số 12229/BTC-QLBH chuyển đơn đến Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an).

Việc chuyển văn bản được Bộ Tài chính cho biết vì nhận được văn bản của một đại lý bảo hiểm đề nghị điều tra 2 nhóm nội dung.

Thứ nhất, đề nghị điều tra dấu hiệu hành vi trốn thuế, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, và tham ô tài sản/nhận hối lộ,… của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan chức năng.

Thứ hai, đề nghị xem xét đơn tố cáo vi phạm đấu thầu, hủy thầu trái quy định, dấu hiệu câu kết với ngân hàng để rửa tiền, chiếm đoạt tài sản người lao động đã gửi C03 theo Công văn số 1507/ĐLBHHG ngày 15.7.2023 và Công văn số 2805/ĐLBHHG ngày 28/5/2023.

Căn cứ nội dung đơn và các quy định của pháp luật, Bộ Tài chính chuyển đơn đến C03 để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả đến Bộ Tài chính.

Tú Anh

Tin khác