1. Tài chính

Trung Quốc và bài toán giảm áp lực nợ cho chính quyền địa phương

Quốc hội Trung Quốc họp bàn thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ “Minh báo” của Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua biện pháp giảm nợ mạnh nhất trong những năm gần đây, giải quyết vấn đề nợ ẩn của địa phương bằng cách tăng trần nợ của chính quyền địa phương và phát hành trái phiếu đặc biệt, lên đến 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD).

Thị trường kỳ vọng Bắc Kinh sẽ bơm hàng nghìn tỷ nhân dân tệ để trực tiếp kích thích nền kinh tế, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này không công bố thông tin liên quan nào. Điều này khiến các nhà đầu tư có phần thất vọng.

Tuy nhiên, xét từ góc độ giải quyết rủi ro nợ của địa phương về dài hạn, quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thực sự rất quan trọng bởi áp lực đối với tài chính địa phương giảm bớt mới có thể giải phóng nhiều nguồn lực hơn, để xóa nợ cho doanh nghiệp cũng như đưa ra nhiều biện pháp mang lại lợi ích cho người dân, từ đó gián tiếp thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp và tiêu dùng của hộ gia đình.

Việc ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump thắng cử trong cuộc đua vào vị trí Tổng thống Mỹ lần thứ 47 đã mang lại triển vọng thay đổi cho nền kinh tế toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ có sự chuẩn bị về chính sách, các biện pháp và quy mô kích thích kinh tế để đáp lại những gì mà ông Trump sẽ làm sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào năm tới.

Tập trung vào vấn đề nợ địa phương

Có thể nói những tin tức ảnh hưởng đến tình hình kinh tế được quan tâm trong vài ngày gần đây lần lượt đến từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sau đó là cuộc họp về cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc. Ông Trump một lần nữa đã chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng và nguy cơ căng thẳng thương mại Trung-Mỹ có thể quay trở lại. Mặc dù Fed đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào hôm 8/11 như dự đoán, nhưng với việc ông Trump lên cầm quyền, xu hướng lãi suất của Mỹ trong tương lai sẽ khó đoán định.

Một số nhà giao dịch và giới phân tích hy vọng rằng cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc có thể đưa ra các biện pháp tài khóa mạnh tay hơn để kích thích nền kinh tế, từ đó có đủ năng lực để đối phó với một Chính phủ Mỹ do ông Trump điều hành.

Các biện pháp tài khóa trung ương sẽ được thực hiện sau khi lập kế hoạch

Nợ ẩn của chính quyền địa phương bao gồm khoản tiền mà chính quyền và các ban ngành vay thông qua các cơ quan và tổ chức trực thuộc, doanh nghiệp nhà nước hoặc các nền tảng tài chính khác ngoài giới hạn nợ chính phủ theo luật định. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã nới lỏng việc bố trí tài chính cho chính quyền địa phương nhằm ổn định tăng trưởng, sau đó nợ địa phương tăng nhanh và vấn đề nợ ẩn đã thu hút sự chú ý đặc biệt.

Nhằm ngăn ngừa rủi ro, từ năm 2019, Trung Quốc cho phép chính quyền địa phương phát hành trái phiếu tái cấp vốn để thay thế nợ ẩn, quy mô phát hành nợ lũy kế cho đến nay là khoảng 4.000 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, áp lực tài chính địa phương vẫn không giảm, thay vào đó, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn do các khoản chi chống dịch COVID-19 khổng lồ và thu nhập liên quan đến bất động sản giảm mạnh do vấn đề cải tạo nhà ở trong nước.

Do lãi suất của khoản nợ ẩn cao hơn nhiều so với lãi suất nợ theo luật định của chính phủ, nên chính quyền địa phương càng có nhiều khoản nợ ẩn thì áp lực tài chính càng lớn.

Bản chất của việc hoán đổi nợ là đánh đổi thời gian lấy không gian, tức là chuyển khoản nợ lãi suất cao có thời gian còn lại ngắn thành khoản nợ lãi suất thấp có thời gian còn lại dài hơn. Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc cuối năm ngoái đề cập đến ba rủi ro lớn về kinh tế, tài chính phải giải quyết, gồm bất động sản trong nước, các tổ chức tài chính vừa và nhỏ và rủi ro nợ của chính quyền địa phương.

Lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua biện pháp giảm nợ mạnh nhất trong những năm gần đây, điều này sẽ giúp giảm áp lực nợ ngắn hạn và trung hạn của chính quyền địa phương bằng cách hoán đổi nợ ẩn, chính quyền địa phương dự kiến sẽ tiết kiệm được khoảng 600 tỷ nhân dân tệ tiền lãi vay trong 5 năm tới.

Sau khi áp lực tài chính địa phương giảm bớt, đương nhiên sẽ có nhiều dư địa hơn để huy động các nguồn lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế và bảo vệ sinh kế của người dân, bao gồm trả nợ cho doanh nghiệp và đưa ra nhiều biện pháp mang lại lợi ích cho người dân nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Từ góc độ này, ngoài việc giảm rủi ro, biện pháp giảm nợ này còn có thể gián tiếp thúc đẩy nhu cầu trong nước, cải thiện dòng tiền của doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy nhu cầu đầu tư.

Các cơ quan chức năng nhấn mạnh sẽ kiên quyết hạn chế các khoản nợ tiềm ẩn mới và coi đó là “kỷ luật sắt”, nêu rõ quyết tâm của chính phủ trong việc kiểm soát chặt chẽ rủi ro nợ của địa phương, để không còn trở thành hiểm họa tiềm ẩn cho phát triển kinh tế bền vững.

Mạc Luyện (P/v TTXVN tại Hong Kong)

Tin khác