1. Tài chính

Trung bình mỗi ngày người dân mang 2.882 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 8/2024, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt 6.924.889,15 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023.

Còn so với cuối tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm 86.475 tỷ đồng. Đây là mức tăng lớn. Nếu tính bình quân theo ngày, mỗi ngày tháng 8 có 2.882 tỷ đồng được gửi vào ngân hàng.

Đối với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, lượng tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 8 đạt 6.838.341,69 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,05% so với cuối năm 2023.

Tính tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 thì tổng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền tiết kiệm được gửi vào ngân hàng đã tăng liên tiếp trong suốt 2 năm nay. Lý giải về vấn đề này, các chuyên gia tài chính cho rằng, do nhà đầu tư vẫn thận trọng với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản…

Trong tháng 8/2024, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm 86.475 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày có 2.882 tỷ đồng được gửi vào ngân hàng. Ảnh: Agribank

Đặc biệt là giá vàng biến động quá lớn. Kể từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế tăng đến hơn 50%. Nếu đầu tư thì vô cùng rủi ro. Còn để tích trữ vàng, người dân thường chỉ mua khi giá mặt hàng này ổn định.

Mặt khác, lãi suất huy động cũng đã nhích lên kể từ tháng 4 trở lại đây. Hiện tại lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân niêm yết phổ biến mức 5 - 5,8%/năm cho kỳ hạn gửi 12 tháng. Còn kỳ hạn 6 - 9 tháng, lãi suất tiền gửi niêm yết là 4,5 - 4,8%/năm.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, với sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán và sự yếu kém về thanh khoản, người dân khó lòng kiếm lợi nhuận, thậm chí đối mặt với rủi ro mất vốn. “Khi thị trường chưa có dấu hiệu bật tăng rõ rệt và nhà đầu tư cá nhân dễ chịu thiệt hại, lãi suất tiết kiệm nhích lên lại tạo thêm sức hút, giúp họ an tâm giữ vốn” - ông Huân nhận xét.

Bên cạnh đó, xu hướng tăng lãi suất huy động còn được lý giải bởi nhu cầu vay vốn cuối năm. Các doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn để tăng tốc sản xuất và chuẩn bị hàng hóa cho mùa tiêu thụ mạnh, khiến nhu cầu tín dụng gia tăng đáng kể. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm quan trọng khi ngân hàng phải tăng cường huy động vốn để duy trì thanh khoản, đảm bảo cung cấp đủ tín dụng cho các hoạt động sản xuất và đầu tư. Để đối phó với áp lực này, nhiều ngân hàng đã phải điều chỉnh lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn và trung hạn nhằm thu hút dòng tiền từ khách hàng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ về hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tổng tiền gửi tính đến cuối tháng 9 ước đạt 14,5 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 14,7 triệu tỷ đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng nhà nước cũng khẳng định, ngân hàng huy động được bao nhiêu cho vay ra nên kinh tế bấy nhiêu. “Không có chuyện 14 - 15 triệu tỷ đồng còn nằm tại ngân hàng” - Phó Thống đốc khẳng định.

Ngân Thương

Tin khác