Trái ngược với sự thăng hoa của chứng khoán Mỹ hậu bầu cử, các thị trường khác đang thoái lui
Chỉ số MSCI (ngoại trừ Mỹ) đang lao dốc và vừa ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong ba tháng trong ngày 12/11. Chỉ số tiền tệ của các thị trường đang phát triển đã mất hơn 1% sau cuộc bầu cử Mỹ, gần như xóa sạch mức tăng của năm nay. Cổ phiếu của châu Âu và đồng euro cũng giảm mạnh.
Sự phân hóa rõ rệt giữa tài sản của Mỹ và bên ngoài Mỹ đã trở nên rõ rệt hơn khi nội các của chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu hình thành, với những người sẵn sàng thực hiện các đề xuất "Nước Mỹ trên hết" được bổ nhiệm cho các vị trí chủ chốt. Điều đó đã dẫn tới nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của các nhà đầu tư rằng các động thái tăng thuế quan, đặc biệt là đối với Trung Quốc, sẽ tiếp tục gia tăng, cùng với một loạt các chính sách có khả năng gây gián đoạn có thể đẩy lạm phát lên cao hơn và trói buộc các ngân hàng trung ương.
Những lo lắng như vậy đã thúc đẩy các nhà đầu tư gửi tiền vào các tài sản của Mỹ. Theo một cuộc khảo sát của Bank of America, mức độ tiếp xúc của các nhà quản lý quỹ với cổ phiếu Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2013. Mặt khác, các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Mexico - thường được cho là dễ bị tổn thương nhất trước các chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Trump - đã bị ảnh hưởng.
Rajeev De Mello, Giám đốc đầu tư tại Gama Asset Management cho biết, các chính sách tập trung nhiều hơn vào trong nước của ông Trump sẽ có lợi cho các công ty Mỹ.
"Chúng tôi đã giảm rủi ro trước cuộc bầu cử Mỹ và bây giờ là lúc tăng mức độ tiếp xúc với danh mục đầu tư nhưng chuyển sang các khoản đầu tư sẽ được hưởng lợi từ các lựa chọn chính sách dự kiến của ông Trump", ông nhận định.
Phiên giao dịch ngày 13/11 cũng đang định hình là một ngày ảm đạm khác, với chỉ số cổ phiếu châu Á của MSCI đã giảm hơn 1%. Cổ phiếu tại Hàn Quốc đang hướng đến mức thấp nhất trong một năm khi Samsung Electronics bị khối ngoại bán ròng mạnh do dễ bị tổn thương trước chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Chỉ số đồng đô la Mỹ của Bloomberg đã tăng nhẹ sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 trong phiên giao dịch trước đó.
Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ các cuộc bổ nhiệm nội các để tìm thông tin về việc liệu quan điểm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump có trở thành chính sách thực tế hay không.
Trước đó, tổng thống đắc cử đã tuyên bố sẽ áp mức thuế quan mới, nhắm đến mức thuế 20% đối với tất cả hàng hóa nước ngoài và 60% trở lên đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc. Điều đó đã làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến thương mại khác có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây tổn hại đến các công ty phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng tại Mỹ.
Ngoài ra, các đề xuất khác của ông Trump bao gồm trục xuất hàng loạt và cắt giảm thuế có thể dẫn đến lạm phát cao hơn và hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Khi những triển vọng đó hỗ trợ đồng đô la Mỹ và gây áp lực lên các loại tiền tệ của thị trường mới nổi, một số ngân hàng trung ương bao gồm Indonesia và Brazil đã có những biện pháp can thiệp để hỗ trợ tiền tệ.
Các nhà quản lý quỹ như Pictet Asset Management SA đang thúc đẩy đầu tư vào các thị trường như Ấn Độ được cho là ít bị ảnh hưởng bởi các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump.
Theo Kasikorn Asset Management, thuế quan trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc cũng có thể thúc đẩy sự dịch chuyển đầu tư khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và hướng tới Đông Nam Á.
Nhưng hiện tại, tài sản của Mỹ rõ ràng đang cho thấy sự chiến thắng.
Michael Brown, chiến lược gia cấp cao tại Pepperstone Group cho biết: "Vấn đề ‘chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ’ có vẻ như vẫn chưa thoái lui… Tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng vào xu hướng tăng giá của cổ phiếu, đặc biệt là khi chính quyền Tổng thống Trump sắp tới có khả năng sẽ thúc đẩy thêm tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp thông qua một đợt cắt giảm thuế mới".
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài