1. Tài chính

TP. Hồ Chí Minh: Tín dụng lĩnh vực du lịch tăng 10% trong 2 tháng đầu năm

Hình minh họa do AI thực hiện.

Tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực dịch vụ du lịch (lưu trú và ăn uống) tại TP. Hồ Chí Minh đạt gần 57.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,5% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và có mức tăng trưởng cao, lên tới 10%.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực II, mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng, song hoạt động tín dụng đối với lĩnh vực này có ý nghĩa hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực II, nhận định tín dụng đối với lĩnh vực du lịch trên địa bàn tăng trưởng trở lại, sau khi các hoạt động du lịch dịch vụ phục hồi sau dịch và luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn trong 2 năm trở lại đây. Riêng 2 tháng đầu năm 2025, tín dụng đối với lĩnh vực này tăng trưởng 10%, trong khi đó, tín dụng chung trên địa bàn giảm 0,17%.

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn tăng trưởng tốt trong 2 năm gần đây và tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm nay, với nhiều sự kiện văn hóa văn nghệ, các hoạt động ấn tượng được tổ chức để chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, của Thành phố. Qua đó, thu hút khách tham quan, du lịch ngày càng tăng. "Đây là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lĩnh vực này", Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực II nhận định.

Trong đó, doanh thu các hoạt động du lịch tăng, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo dòng tiền tốt, yếu tố góp phần mở rộng tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dùng trên địa bàn.

Đồng thời, cơ chế chính sách tiền tệ thuận lợi bao gồm lãi suất thấp, tỷ giá ổn định và hệ thống cung cấp dịch vụ ngân hàng như thanh toán, thu đổi ngoại tệ,… rất tiện ích, tiện lợi cũng là động lực góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn tăng trưởng. Trong quá trình này, tăng trưởng lĩnh vực du lịch dịch vụ có tác động tích cực trở lại đối với sự phát triển hoạt động dịch vụ ngân hàng và mở rộng tăng trưởng tín dụng.

“Sự tăng trưởng và phát triển của hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn là yếu tố quan trọng đối với hoạt động tín dụng lĩnh vực này. Đồng thời, sự phối hợp của ngành ngân hàng với sở du lịch và hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục được phát huy và duy trì với các hoạt động thông tin, báo cáo, xử lý và tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp (ngay sau khi hết dịch) cũng góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy lĩnh vực du lịch trên địa bàn tăng trưởng, phát triển”, ông Lệnh đánh giá.

Minh Huy

Tin khác