1. Tài chính

TP. Hồ Chí Minh: Doanh số cho vay bình ổn hàng hóa Tết đạt gần 10.000 tỷ đồng

Nhu cầu vốn cuối năm của người dân chủ yếu vốn ngắn hạn bổ sung cho hoạt động kinh doanh hàng hóa - Ảnh: H.A

Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang đẩy mạnh cho vay bình ổn thị trường, góp phần giữ giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cuối năm và chuẩn bị cho Tết Ất Tỵ 2025.

Với lãi suất cho vay bình quân khoảng 4%/năm của các tổ chức tín dụng đang hỗ trợ trực tiếp về chi phí sử dụng vốn cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường. Qua đó, doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất, tạo điều kiện giảm giá hoặc giữ giá bán hàng hóa ra thị trường thường có xu hướng tăng trong dịp cuối năm.

Ông Lệnh cho biết thêm, trong hai tháng cuối năm 2024, tín dụng trên địa bàn dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng do yếu tố mùa vụ nhu cầu tiêu thụ và sản xuất kinh doanh tăng cao kéo theo nhu cầu sử dụng vốn tăng theo.

Theo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, qua thông tin đăng ký của các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường hàng hóa cuối năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025, mùa cuối năm 2024 lượng hàng bình ổn tăng từ 4%-6% so với mùa cuối năm 2023, chiếm 21-32% thị phần so với các tháng trong năm và chiếm từ 24-41% nhu cầu thị trường so với các tháng trong năm.

Năm 2024, thành phố có hai lần điều chỉnh giá theo chương trình bình ổn thị trường, trong đó mức điều chỉnh giá rất nhỏ để đảm bảo với các cân đối lớn như chỉ số giá tiêu dùng của thành phố. Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ tiếp tục đồng hành chia sẻ với người tiêu dùng về giá cả và chất lượng hàng hóa nhất là trong bối cảnh năm 2024 bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Đ.HA

Tin khác