1. Tài chính

Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ là ẩn số của giới đầu tư Việt 2025

Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025

Trang thông tin điện tử VietnamBiz và Việt Nam Mới vừa tổ chức Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 với chủ đề “Khai thông và Bứt phá”, quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành, thảo luận nhiều vấn đề nóng trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, chứng khoán, bất động sản…

Tại phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề "Bối cảnh vĩ mô và xu hướng dịch chuyển dòng vốn", ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam và ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital, đã chỉ ra những tác động từ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump tới kinh tế Việt Nam và thế giới.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, cuộc chiến đối phó với lạm phát của các nước thu nhập cao về cơ bản đã đạt mục tiêu và xu hướng giảm lãi suất đã trở nên rõ ràng. Trong năm 2024, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất ba lần, tổng cộng từ 75 đến 110 điểm cơ bản (bps). Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm chân hơn nhưng cũng đã hai lần hạ lãi suất, tổng cộng 75 bps.

Tuy vậy, ông Hùng nhận định, câu chuyện lạm phát và giảm lãi suất có thể đã ở phía sau, còn ẩn số lớn nhất trong thời gian tới là chính quyền mới của Mỹ. Hai từ khóa được ông Hùng nhắc tới là “thương mại” và “chiến tranh thương mại”.

“Chính quyền mới không nhất thiết sẽ làm những gì Tổng thống Trump đã hứa trong tranh cử. Nhưng chắc chắn (những chính sách của ông Trump) sẽ có ảnh hưởng tới thương mại thế giới”, vị chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB nhận định và cho rằng, mức độ tăng thuế hay những áp đặt hạn chế mà chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump đưa ra sẽ là những biến số tác động đến thương mại thế giới.

Theo ông Hùng, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở thương mại, xuất khẩu đóng góp lớn vào GDP và tăng trưởng nên trong bối cảnh có những khó khăn về chính sách thương mại toàn cầu, đặc biệt là thị trường Mỹ thì sẽ phải đối mặt với thách thức.

Để giải quyết những khó khăn trên, ông Hùng cho rằng bên cạnh việc phát huy lợi thế về kinh tế đối ngoại, cần tập trung kích cầu nội địa, kích thích đầu tư và giúp nền kinh tế phục hồi tốt hơn, từ đó biến thành động lực cho tăng trưởng.

Những chính sách của Tổng thống Donald Trump được dự báo sẽ có tác động lớn đến kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng

Lựa chọn 2 từ khóa “Trump” và “volatility” (biến động) và đồng tình với những nhận định của vị chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhưng ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital, cho rằng, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu không chỉ ở góc độ thương mại mà sẽ thiên về một số chính sách tiền tệ.

Ông Tuấn thông tin, hôm 8/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps). Chủ tịch Jerome Powell cũng đề cập nhiều khả năng Fed sẽ hạ chi phí đi vay thêm 25 bps tại cuộc họp tháng 12 tới đây. Tuy nhiên, ông Powell dường như không nhận định về tình hình kinh tế và xu hướng lãi suất trong năm 2025.

Theo Giám đốc Khối Đầu tư của Dragon Capital, lý do ông Powell không đưa ra dự báo cho năm 2025 “là bởi khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, khả năng cao ông sẽ muốn USD mạnh”.

“Khi ông Trump tái đắc cử, lợi suất trái phiếu lập tức tăng mạnh. Điều đó có nghĩa rằng khi lãi suất ở Mỹ duy trì ở mức cao thì không gian của mình về chính sách tiền tệ sẽ hẹp đi”, ông Tuấn cho hay.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng khi ông Trump được dự phóng đã giành chiến thắng, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn tăng mà không giảm, bởi Bắc Kinh đã chuẩn bị những gói kích cầu rất mạnh và sẽ tung ra dựa theo kết quả bầu cử.

“Khi Trung Quốc bị đánh thuế cao, khả năng nước này thực hiện phá giá đồng tiền là rất lớn. Khi Trung Quốc thực hiện chính sách này nền kinh tế Việt Nam sẽ có những áp lực riêng”, ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Nhận định về chính sách tiền tệ của Mỹ, TS.Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2025 Fed sẽ phải tiếp tục cắt giảm lãi suất, bởi chính sách tài khóa của Mỹ đã đến giới hạn, muốn tăng trưởng sẽ phải tập trung vào chính sách tiền tệ, dẫn đến hạ lãi suất. Nhờ đó, Việt Nam có dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Theo TS.Nguyễn Tú Anh, yếu tố quốc tế thứ hai tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam là Trung Quốc. Nước này đang đẩy đầu tư ra nhiều hơn, kích cầu trong nước. Vì vậy, dòng đầu tư nước ngoài trong năm 2025 không chỉ từ những thị trường truyền thống mà từ Trung Quốc và những nước lân cận có thể sẽ tăng mạnh, làm cho dòng tiền vào tốt hơn, kéo theo cung tiền ra tốt hơn.

Ngọc Tân

Tin khác