Tổ chức tín dụng bị 'soi' hoạt động trái phiếu
Theo định hướng chương trình thanh tra năm 2025 đã được Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ký ban hành ngày 23/10/2024. Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra đối với lĩnh vực ngân hàng với một số nội dung như: Thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tiếp đó là việc chấp hành chính sách, pháp luật tại các tổ chức tín dụng (TCTD), tập trung vào những vấn đề dễ phát sinh rủi ro trong hoạt động của các TCTD, những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội và các cơ quan quản lý quan tâm. Ngoài ra, sẽ tiếp tục thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ...
Riêng hoạt động thanh tra của Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào đặc thù hoạt động của từng TCTD được thanh tra và kết quả thực tế giám sát an toàn đối với các TCTD, nguồn lực thanh tra tại đơn vị tiến hành thanh tra cũng như yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ để xác định rõ các cuộc thanh tra toàn diện, thanh tra chuyên đề lĩnh vực thanh tra cụ thể cho từng đối tượng thanh tra.
Bên cạnh đó, sẽ tập trung vào thanh tra những vấn đề dễ phát sinh rủi ro trong hoạt động của các TCTD, những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội và các cơ quan quản lý quan tâm, như:
Một là, cấp tín dụng tập trung vào các khách hàng lớn tiềm ẩn rủi ro.
Hai là, cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn của TCTD...).
Ba là, thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Ngoài các vấn đề dễ phát sinh rủi ro trong hoạt động của các TCTD như trên, căn cứ điều kiện, tình hình hoạt động cụ thể của từng TCTD, tình hình về nguồn nhân lực, thời gian thanh tra và yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thanh tra, xem xét lựa chọn thêm một hoặc một số nội dung như:
1. Công tác quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các TCTD.
2. Công tác xử lý nợ xấu và thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu; việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công tác chấp hành các quy định thu hồi nợ ngoại bảng sau khi xử lý rủi ro, việc xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng; cổ phần hóa.
3. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về ngoại hối và phòng, chống rửa tiền; phân loại mục đích sử dụng vốn vay; hoạt động góp vốn, mua cổ phần của các TCTD; hoạt động ủy thác đầu tư và các tài sản có khác; hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan trái phiếu doanh nghiệp; hoạt động thanh toán và ngân hàng số...
Về thanh tra hành chính, sẽ tập trung vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, theo phân công, ủy quyền của Thống đốc NHNN. Đó là việc thực hiện các quy định của pháp luật, quy định nội bộ liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra và việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật. Cuối cùng là hoạt động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc NHNN, các đơn vị ngoài NHNN trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Văn Kỳ