1. Chứng khoán

Tisco lỗ trong quý III/2024 dẫn tới xóa toàn bộ lãi kiếm được nửa đầu năm 2024

Giá thép liên tục giảm trong quý III/2024

Trong quý III/2024, Tisco ghi nhận doanh thu đạt 2.390,2 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 84,13 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 58,68 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 25,45 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 1,4%, về chỉ còn 0,4%.

Trong kỳ, việc biên lợi nhuận gộp giảm mạnh dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 69% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 23,3 tỷ đồng về 10,46 tỷ đồng.

Ngoài ra, cũng trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 87,5%, tương ứng giảm 8,87 tỷ đồng về 1,27 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 18,4%, tương ứng giảm 7,97 tỷ đồng về 35,46 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 10,7%, tương ứng tăng thêm 6,32 tỷ đồng lên 65,47 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, trong kỳ mặc dù doanh thu giảm nhẹ nhưng lợi nhuận gộp của Tisco vẫn giảm mạnh do biên lợi nhuận gộp thu hẹp, đồng thời lợi nhuận gộp tạo ra khiêm tốn chỉ 10,46 tỷ đồng không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, vì vậy Tisco đã ghi nhận lỗ trở lại trong quý III.

Lý giải việc lỗ trở lại trong quý III, ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng giám đốc Tisco cho biết trong quý III thị trường thép vẫn gặp nhiều khó khăn, giá bán thép tiếp tục giảm sâu (thép cây giảm 5 lần với tổng giảm 650.000 đồng/tấn, thép cuộn giảm 4 lần với tổng giảm 450.000 đồng/tấn), trong khi giá thị trường nguyên vật liệu đầu vào có giảm nhưng giảm thấp, vì vậy, lãi gộp thép bình quân lỗ 18.253 đồng/tấn chưa bao gồm chi phí tiêu thụ (bán hàng, quản lý, tài chính) ở mức 514.517 đồng/tấn dẫn đến lỗ.

Trước đó, trong nửa đầu năm 2024, Tisco ghi nhận lãi 4,39 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 135,67 tỷ đồng, tức tăng thêm 140,06 tỷ đồng.

Như vậy, với việc lỗ trở lại trong quý III, Tisco đã xóa toàn bộ lãi kiếm được trong 6 tháng đầu năm 2024.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2024, Tisco ghi nhận doanh thu đạt 7.643,8 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 79,74 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 194,35 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2024, Tisco đặt kế hoạch doanh thu 12.953 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 15 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2024 với lãi trước thuế ghi nhận lỗ 75,77 tỷ đồng, Tisco còn cách rất xa kế hoạch có lãi 15 tỷ đồng trong năm 2024.

Điểm đáng lưu ý, với việc lỗ thêm trong 9 tháng đầu năm 2024 thêm 79,74 tỷ đồng, tính tới 30/9/2024, Tisco chỉ còn lãi lũy kế 15,2 tỷ đồng và đồng thời đang hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái âm 309 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tình hình kinh doanh không khả quan trong quý IV, Tisco đang có nguy cơ xóa toàn bộ lãi tích lũy nhiều năm.

65% tổng tài sản Công ty nằm ở dự án dang dở đang chậm triển khai

Về quy mô tài sản, tính tới ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Tisco vẫn tăng thêm 1,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 192,9 tỷ đồng lên 10.445 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 6.810,1 tỷ đồng, chiếm 65,2% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.595,6 tỷ đồng, chiếm 15,3% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.074,2 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Tisco thuyết minh tài sản dở dang dài hạn chủ yếu ghi nhận 66.797,5 tỷ đồng Dự án cải tạo Gang thép giai đoạn 2. Trong đó, kế hoạch tổng vốn đầu tư dự án ban đầu là 3.843,67 tỷ đồng nhưng sau nhiều lần điều chỉnh, tổng giá trị đầu tư đã nâng lên 8.104,91 tỷ đồng.

Hiện tại, Dự án cải tạo Gang thép giai đoạn 2 đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, Ban lãnh đạo Tisco cùng với Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP vẫn đang tiếp tục đàm phán với các nhà thầu và phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan để tháo gỡ các khó khăn cho dự án.

Tính tới ngày 30/9/2024, tổng giá trị đầu tư Dự án cải tạo Gang thép giai đoạn 2 còn dở dang là 6.797,5 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay vốn hóa vào dự án lên tới 3.590,9 tỷ đồng.

Ngược lại, về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý III/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Tisco tăng thêm 2,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 99,3 tỷ đồng, lên 4.573,9 tỷ đồng và bằng tới 278,5% tổng vốn chủ sở hữu (đầu năm dư nợ 4.474,6 tỷ đồng và bằng 262,1% tổng vốn chủ sở hữu). Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 2.931,3 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 1.642,6 tỷ đồng.

Về diễn biến giá cổ phiếu, trái với kết quả kinh doanh thua lỗ trong 9 tháng đầu năm 2024, từ ngày 6/6/2024 đến ngày 21/10/2024, cổ phiếu TIS liên tục hút dòng tiền và bật tăng 59,1%, từ 4.400 đồng lên 7.000 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc

Tin khác