Tính đến 20/9, tăng trưởng tín dụng mới đạt 5,73%
Mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm
Theo số liệu kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/9, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và giữ ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, chắc chắn, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ttính đến ngày 20/9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế so với thời điểm cuối năm 2022 đạt 5,73%. Cùng thời điểm này năm trước, tăng trưởng đạt 10,54%. Ngoài ra, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75%, so với cùng kỳ năm 2022 là 2,49%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, so với cùng kỳ là 4,04%.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương lý giải, nhu cầu trong và ngoài nước thấp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp.
Sau 4 lần điều chỉnh giảm liên tục các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5-2%/năm, đến nay lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng đồng Việt Nam của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 1%/năm so với cuối năm 2022.
“Với tác động trễ của chính sách sau khi giảm lãi suất điều hành, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân”, bà Hương nói và cho biết, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Trước đó theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, nhích nhẹ so với con số 5,33% vào cuối tháng 8.
Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của toàn ngành khoảng 14-15% và cũng đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng với tổng mức tăng là 14%. Như vậy, trải qua gần 2/3 chặng đường, ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được hơn 1/3 kế hoạch đề ra.
Về tín dụng xã hội, đến ngày 25/9, tổng số vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 69.500 tỷ đồng, với hơn 1,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn trong năm.
Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 309.069 tỷ đồng, tăng 26.261 tỷ đồng (tăng 9,3%) so với năm 2022. Trong đó, dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ đạt 21.019 tỷ đồng, hoàn thành 54,7% kế hoạch.
D
oanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ có xu hướng tăng
Về thị trường bảo hiểm, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý III/2023 ước đạt 52.900 tỷ đồng (giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022).
Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.600 tỷ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022).
Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.200 tỷ đồng (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113.400 tỷ đồng (giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022).
Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 57.100 tỷ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 746,7 tỷ đồng (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2022).
Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 890,5 tỷ đồng (tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo nhận định của cơ quan thống kê, mặc dù doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm nhưng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đang có xu hướng tăng.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang rất nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tiềm năng nhằm mở rộng thị trường, giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, kỳ vọng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và duy trì được mức tăng trưởng doanh thu bền vững.
Nguyễn Thu Huyền