Tin Thị trường: Giá dầu thế giới chờ những phản ứng trái chiều từ thị trường
Giá dầu chờ những phản ứng trái chiều từ thị trường
Tính đến đầu giờ chiều nay 11/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 70,35 USD/thùng - giảm 0,04%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 73,93 USD/thùng - tăng 0,08%.
Không khó để lý giải những phản ứng trái chiều của thị trường dầu mỏ. Một mặt, các hãng khai thác dầu mỏ của Mỹ đang mong đợi ít quy định hơn về khai thác dầu thô dưới sự điều hành của ông Trump, nghĩa là nguồn cung dầu cao hơn và giá thấp hơn. Mặt khác, chiến thắng của ông Trump cũng có nghĩa là sẽ có nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với dầu của Iran, Venezuela và điều này sẽ thúc đẩy giá.
Bên cạnh đó, gói kích thích kinh tế của Trung Quốc được công bố tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) vào ngày 8/11 đã không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường. Giới phân tích kỳ vọng nhiều vào các chính sách hỗ trợ cho bất động sản và tiêu dùng trong nước.
Tuần này, thị trường sẽ dõi theo dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Mỹ trong tháng 10 - dữ liệu quan trọng được Fed theo dõi chặt chẽ, để xem liệu lạm phát tiêu dùng có đang về mức mục tiêu 2% hay không.
Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 10 cũng sẽ được công bố, cung cấp bằng chứng cụ thể về sức mua của người Mỹ trong môi trường chi phí cao hiện nay. Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần cũng rất đáng lưu tâm.
Ngoài ra, thị trường cũng theo dõi chặt chẽ những diễn biến về xung đột ở Trung Đông.
Giá khí đốt tăng mạnh do lo ngại nguồn cung
Tính đến đầu giờ chiều nay 11/11 (theo giờ Việt Nam), giá khí đốt tự nhiên thế giới ghi nhận mức tăng nhẹ 6,18%, đưa giá lên ngưỡng 2,834 USD/mmBTU đối với hợp đồng giao tháng 12/2024. Đà tăng này được cho là do lo ngại về nguồn cung khí đốt của Châu Âu có thể bị ảnh hưởng trong mùa đông sắp tới, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thị trường vẫn chưa ổn định.
Theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường khí đốt toàn cầu vẫn mong manh với nguồn cung bị thắt chặt bởi sự tăng trưởng hạn chế trong khai thác khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Điều này có nghĩa là thị trường đang dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự biến động nào từ phía cung hoặc cầu, có thể khiến giá khí đốt tiếp tục tăng cao.
Với dự đoán mùa đông năm nay có thể lạnh hơn, các chuyên gia cho rằng Châu Âu sẽ cần đến khoảng 45 - 55% lượng khí đốt dự trữ để vượt qua mùa đông, thấp hơn so với mức dự trữ 60% vào các mùa trước. Nếu tình hình lạnh kéo dài, mức dự trữ khí đốt có thể xuống đến 35%, điều này đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ cần bổ sung lượng lớn LNG trong nửa đầu năm sau, tạo áp lực lên giá khí đốt toàn cầu.
Mức dự trữ khí đốt vào cuối mùa đông có vai trò quyết định đối với nhu cầu nhập khẩu LNG trong năm 2025. Nếu lượng dự trữ giảm sâu, nhu cầu mua vào LNG để tái dự trữ sẽ đẩy giá khí đốt tăng cao ngay từ những tháng hè. Cơ quan giám sát năng lượng của Liên minh Châu Âu, Acer, đưa ra cảnh báo rằng nếu nhu cầu vượt xa mức của hai mùa đông trước, EU sẽ phải đẩy mạnh nhập khẩu LNG với giá cạnh tranh để bổ sung nguồn cung cho năm 2025.
Vitol dự báo giá dầu 70-80 USD/thùng vào năm 2025
Giá dầu toàn cầu dự kiến sẽ duy trì trong khoảng 70 đến 80 USD/thùng vào năm 2025, tương tự như năm 2024, trong khi rủi ro địa chính trị tạo ra sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung, Russell Hardy, Tổng giám đốc điều hành Vitol, công ty giao dịch dầu độc lập lớn nhất thế giới cho biết.
Giá dầu thế giới đã bị hạn chế bởi những lo ngại về việc nới lỏng cắt giảm nguồn cung của OPEC+ vào năm 2025 và nhu cầu dầu tăng trưởng yếu của Trung Quốc bất chấp rủi ro gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông.
"Rõ ràng là có một chút lo ngại về cán cân cung-cầu cho năm 2025 và đó là động lực thúc đẩy thị trường ngày hôm nay", ông Hardy phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh FT Commodities Asia.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều căng thẳng địa chính trị, những ẩn số xung quanh Trung Đông, xung quanh hoạt động xuất khẩu của Iran và xuất khẩu của Venezuela dưới thời tổng thống mới.
Trên thực tế, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô giá rẻ của Iran, chiếm khoảng 13% lượng dầu nhập khẩu của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, nếu Donald Trump tăng cường thực thi lệnh trừng phạt đối với Tehran sau khi ông trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 tới.
Janet Kong, Tổng giám đốc điều hành của Hengli Petrochemical International có trụ sở tại Singapore, cho biết hiện có 4 triệu thùng dầu dự phòng mỗi ngày trên toàn cầu, làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung. Bà Kong cũng kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, sẽ thúc đẩy giá dầu toàn cầu vào năm 2025.
Nhu cầu nhiên liệu yếu và hạn chế xuất khẩu đã khiến tỷ lệ sử dụng lọc dầu của Trung Quốc giảm xuống dưới 80% - mức rất thấp theo tiêu chuẩn của ngành, bà Kong cho hay.
Bình An