1. Tài chính

Tín dụng xanh sẽ là xu hướng rõ nét hơn

Các ngân hàng cho vay tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Ảnh: TL

Doanh nghiệp quan tâm hơn tới các yếu tố môi trường

Việc quan tâm đến các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị (ESG) là xu hướng mà các doanh nghiệp buộc phải hướng tới bởi đây cũng là xu hướng tiêu dùng của các xã hội. Vừa qua, tại cuộc tọa đàm về “Phối hợp nhà trường và doanh nghiệp trong thực hành ESG” do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Công ty PwC, các chuyên gia cũng chia sẻ một số kết quả khảo sát đáng quan tâm cho các doanh nghiệp và giới kinh doanh tham khảo.

Các thông tin chia sẻ tại tọa đàm cho thấy, hiện nay 96% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm được sản xuất bởi các công ty có đạo đức kinh doanh tốt. 68% thế hệ kế nghiệp cho rằng doanh nghiệp họ có trách nhiệm chống lại biến đổi khí hậu và các hậu quả liên quan. Trong khi đó, cũng có 62% doanh nghiệp ưu tiên khía cạnh quản trị (G) hơn các yếu tố môi trường (E) và xã hội (S) và 35% số hội đồng quản trị của các doanh nghiệp tích cực tham gia vào các vấn đề ESG.

Các con số trên cho thấy, thực hành ESG đã trở thành trọng tâm trong kỳ vọng của các bên liên quan đối với doanh nghiệp. Các bên liên quan thể hiện rõ các quan điểm về thực hành ESG, đặt ra kỳ vọng ngày càng cao dành cho doanh nghiệp trong việc triển khai kinh doanh bền vững và công bố các thông tin phi tài chính một cách minh bạch.

Ông Phạm Hải Âu - Giám đốc thực hành tư vấn quản trị rủi ro PwC Việt Nam cho biết, hiện nay, người tiêu dùng đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề bền vững, kêu gọi thực hiện kinh doanh bền vững. Họ có xu hướng chuyển đổi sang hành vi bền vững và quan tâm hơn đến các sản phẩm “xanh”.

Theo đó, các doanh nghiệp cũng tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh, hướng tới việc tạo lập giá trị dài hạn cho các bên liên quan. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng có xu hướng tích hợp các tiêu chí ESG vào quy trình đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp công bố các chỉ số phi tài chính.

Với xu hướng trên, phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG với tỷ lệ 80% doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch cam kết thực hiện ESG trong 2-4 năm tới.

Tín dụng cũng phải “xanh”

Trong xu hướng “xanh” hóa định hướng kinh doanh của các doanh nghiệp như trên, dòng vốn ngân hàng rót cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các dự án cũng đặt ra yêu cầu phải “xanh” hóa. Xu hướng này không chỉ thể hiện yêu cầu về trách nhiệm xã hội đối với các ngân hàng, mà đây cũng chính là cách để các ngân hàng tự bảo vệ mình trong việc tăng chất lượng tín dụng thông qua hướng dòng vốn vào các lĩnh vực có các yếu tố nền tảng bền vững, cũng như được Chính phủ khuyến khích đầu tư.

Về quản trị rủi ro, hiện tại quy định pháp lý được thể hiện tại Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các quy định này hướng các ngân hàng thực hiện trách nhiệm của ngành Ngân hàng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường sức chống chịu của hệ thống ngân hàng trước rủi ro về môi trường…

Với những định hướng như trên, thời gian qua, nhận thức của hệ thống ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để thực hiện mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh. Theo đó, Việt Nam cũng đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là 1 trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính, ngân hàng hướng tới phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tại một số ngân hàng cụ thể, giai đoạn 2018 - 2020, dư nợ tín dụng xanh của Agribank tăng trưởng khoảng từ 100 - 350%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, dư nợ xanh của Agribank đã tăng trưởng bằng năm 2022, số lượng khách hàng đạt tiêu chuẩn tín dụng xanh của Agribank luôn ở con số khoảng 42.000 khách hàng.

Trong khi đó, dư nợ tín dụng xanh của BIDV giai đoạn 2019 - 2022 tăng trưởng bình quân 45%/năm. Đến thời điểm 30/6/2023, BIDV có dư nợ tín dụng xanh trên 66 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng gần 2,8 tỷ USD), tăng gần 4% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng khoảng 4% trên tổng dư nợ của BIDV. Danh mục cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững đến năm 2025 dự kiến đạt 3 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của BIDV.

Tập trung vào năng lượng sạch

Trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). Theo NHNN, các tổ chức tín dụng cũng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.485 triệu tỷ đồng.

Chí Tín

Tin khác