1. Tài chính

Tín dụng Xanh chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế

Tín dụng xanh là một mắt xích quan trọng trong công cuộc xanh hóa. Ảnh: Nguyễn Đăng

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Đồng thời, lồng ghép mục tiêu tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2030, tạo cơ sở định hướng kinh doanh cho các TCTD... Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững.

NHNN cho biết, giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến 30/6/2023, dư nợ cấp Tín dụng Xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành Năng lượng Tái tạo, Năng lượng Sạch chiếm 45% và Nông nghiệp Xanh 31%.

Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng Ban định chế tài chính Agribank cho biết, thời gian qua Agribank rất quan tâm đến phát triển tín dụng xanh. Nhận thức được vai trò, Agribank tích hợp chiến lược phát triển xanh trong chiến lược phát triển của ngân hàng. Agribank có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nên việc phát triển tín dụng xanh rất quan trọng.

Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và cho vay theo 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Agribank luôn ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án xanh, một trong những mắt xích quan trọng chuỗi liên kết phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải.

Ông Nguyễn Quốc Hưng - GĐ Ban Tài trợ dự án BIDV cho biết, đến thời điểm 30/6/2023, BIDV đang cấp tín dụng lĩnh vực xanh cho hàng nghìn dự án với dư nợ trên 66 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng gần 2,8 tỷ USD), tăng gần 4% so với đầu năm và chiếm tỉ trọng khoảng 4% trên tổng dư nợ của BIDV. Danh mục cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững đến năm 2025 dự kiến đạt 3 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của BIDV.

Về thẩm định các dự án xanh tại BIDV, ngân hàng đang chủ động triển khai công tác thẩm định các dự án xanh trên cơ sở tuân thủ các văn bản quy định pháp luật có liên quan, đồng thời tham khảo tư vấn của các tổ chức chuyên môn về tín dụng xanh trong và ngoài nước.

Tại Hội thảo, các chuyên gia và ngân hàng kiến nghị các cơ quan liên quan cần rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, sớm ban hành Danh mục phân loại xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.

Phúc Nguyễn

Tin khác