1. Tài chính

Tín dụng tăng thêm hơn 1% chỉ trong nửa cuối tháng 9

Chiều ngày 4/10, tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho hay, tính đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm so với cùng kỳ năm ngoái và các năm, song điểm tích cực là tín dụng tháng sau cao hơn tháng trước và tín dụng các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao.

Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết từ đầu năm đến nay, lãi suất trên thế giới có xu hướng tăng, song NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Đồng thời, NHNN phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tính đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 6,92%, tăng hơn 1% chỉ trong nửa cuối tháng 9

Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022). Các tổ chức tín dụng cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội doanh nhân nữ Thái Nguyên, Tổng giám đốc Công ty thương mại Thái Hưng, cho rằng lãi suất cho vay không giảm đồng tốc với lãi suất huy động. Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động trên thị trường giảm đến 2% song lãi suất cho vay chỉ giảm 0,5-1%.

"Lãnh đạo NHNN nói lãi suất giảm 1% là nhiều rồi, ngân hàng cũng khó khăn lắm, doanh nghiệp cùng đồng hành với ngân hàng. Trong khi đó, lãnh đạo chính quyền lại cho rằng trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần phải tư duy suy nghĩ tìm giải pháp hiệu quả nhất, còn 1% lãi suất rất nhỏ, không là gì", bà Vinh nêu vấn đề.

Theo đó, doanh nhân này đánh giá, mặt bằng lãi suất hiện tại là mặt bằng lãi suất mà rất nhiều năm nay doanh nghiệp mới được hưởng. Lãi suất của một số ngân hàng trong nước thậm chí còn cạnh tranh được với lãi suất cho vay của các tổ chức nước ngoài.

Tại Hội nghị, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cũng cho rằng lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động. Nguyên nhân là do cuối năm ngoái, các ngân hàng huy động với lãi suất cao nên phải cân đối các nguồn vốn để cho vay. Vì vậy, mặc dù lãi suất điều hành giảm nhanh, song các ngân hàng vẫn phải chịu chi phí cao nên lãi suất cho vay giảm chậm hơn.

Thanh Hoa

Tin khác